Ngày 1/9, người phát ngôn của Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết, chính quyền Philippines sẽ tiến hành các dự án cơ sở hạ tầng được tài trợ bởi các công ty Trung Quốc – những đối tượng vốn bị Mỹ liệt vào danh sách đen.
Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC) do nhà nước quản lý, đã phải đối mặt với lệnh giám sát mới tại Philippines, sau khi các công ty con của họ bị chính quyền Mỹ thi hành lệnh trừng phạt vào thời gian gần đây, vì có liên quan đến công tác cải tạo và quân sự hóa các khu vực tranh chấp ở Biển Đông của chính quyền Bắc Kinh.
Bất chấp các cảnh báo về Trung Quốc, Philippines chỉ theo đuổi lợi ích quốc gia
CCCC hiện đang hợp tác với tập đoàn MacroAsia do tỷ phú người Philippines Lucio Tan quản lý, để thực hiện dự án sân bay Sangley trị giá 10 tỷ USD tại tỉnh Cavite, phía Nam vịnh Manila. CCCC có một công ty con là CCCC Dredging Group – hiện đang hứng chịu lệnh trừng phạt từ Mỹ.
Người phát ngôn của Tổng thống Duterte Harry Roque cho biết, ông sẽ không hướng theo động thái của chính quyền Mỹ mà chống lại các công ty Trung Quốc, vì Philippines là một quốc gia “độc lập”, và cần nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc.
Người này cho biết thêm, dự án sân bay Sangley sẽ được thi hành: “Toàn bộ những dự án có sự tham gia của các công ty Trung Quốc bị cấm tại Mỹ, đều có thể tiếp tục khởi thi tại Philippines. Chúng ta không phải là một quốc gia chư hầu của bất kỳ thế lực nước ngoài nào, và chúng ta sẽ theo đuổi lợi ích quốc gia của chính mình”.
Tuần trước, Thống đốc Cavite Jonvic Remulla cho biết, ông sẽ chờ chỉ thị của Tổng thống. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Teodoro Locsin Jr cho biết, ông sẽ đề xuất hủy hợp đồng với các công ty liên quan đến công tác cải tạo Biển Đông.
Ngày 1/9, thượng nghị sĩ đảng đối lập Risa Hontiveros đã kêu gọi một cuộc thăm dò về “khả năng hợp tác và thông đồng của các thực thể tại Philippines”, trong các hoạt động xây dựng đảo ở vùng biển tranh chấp của chính quyền Trung Quốc.
Cùng ngày, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines – Hoàng Khê Liên đã chỉ trích Hoa Kỳ vì đã “tạo ra rào cản giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực”, đồng thời ca ngợi sự hợp tác của chính quyền Philippines và Trung Quốc. Ông cho rằng, sự hợp tác này luôn dựa trên mục tiêu “đôi bên cùng có lợi”.
Vị đại sứ phát biểu trong một tuyên bố: “Tôi tin rằng bất kỳ hành vi nào nhằm cố gắng phá hoại sự hợp tác kinh tế bình ổn giữa Trung Quốc và Philippines, đều sẽ không bao giờ thành công”.
Trước động thái của Mỹ, cơ quan quốc phòng Philippines đã phản đối việc Trung Quốc đấu thầu cho dự án sân bay Sangely, do những lo ngại về an ninh quốc gia.
Tìm cách phục hồi nhanh nhất có thể
Chính phủ Philippines hiện đang tìm cách hồi sinh nền kinh tế bị tàn phá bởi đại dịch COVID-19, thông qua các dự án cơ sở hạ tầng. Đây là lần đầu tiên trong 29 năm qua Philippines rơi vào trạng thái suy thoái nghiêm trọng đến vậy.
“Lợi ích quốc gia của chúng tôi là đảm bảo các dự án lớn thuộc chính sách Build Build Build đều được hoàn tất”, ông Roque phát biểu, và đề cập đến chương trình cơ sở hạ tầng trị giá 180 tỷ đô đã được Tổng thống Duterte thông qua.
Năm 2009, CCCC đã bị Ngân hàng Thế giới liệt vào danh sách đen trong suốt 8 năm, vì hành vi gian lận trong một dự án đường tại Philippines.
Nhưng kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2016, Tổng thống Duterte đã thu hút các công ty Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực viễn thông, và các dự án cơ sở hạ tầng khác.
China Harbour Engineering Company – một đơn vị thuộc CCCC không bị lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, đã hợp tác với tập đoàn Philippines SM Group, nhà tài phiệt Davao và nhà tài trợ chiến dịch của ông Duterte – Dennis Uy, để tiến hành các dự án cải tạo tại Vịnh Manila.
Công ty cũng đã ký kết một biên bản ghi nhớ, nhằm thực hiện các nghiên cứu khả thi cho một dự án đường sắt, nối giữa sân bay quốc tế Clark và Vịnh Subic, vốn trước đây từng là các căn cứ không quân và hải quân của Hoa Kỳ tại phía Bắc thủ đô Manila. Những nghiên cứu này thường là bước đệm cho các thỏa thuận xây dựng thực tế.
Philippines không chỉ đang suy thoái về kinh tế
Theo nhận định của một số chuyên gia và nhà phân tích, Philippines hiện không chỉ suy thoái kinh tế, mà an ninh quốc gia cũng đang rất xáo trộn, nhất là các động thái của vị đương kim Tổng thống trong việc càn quét tội phạm ma túy.
Tổng thống Rodrigo Duterte đã công khai ra lệnh: Các quan chức hải quan hàng đầu của đất nước hãy “bắn và giết” hết những kẻ buôn lậu ma túy. Đây là một trong những lời đe dọa công khai nhất trong chiến dịch kéo dài 4 năm, vốn là trọng tâm trong nhiệm kỳ của ông.
Tối ngày 31/8, trong một phát biểu trên truyền hình từ cuộc họp nội các về đại dịch COVID-19, Duterte đã ra lệnh cho Ủy viên Cục Hải quan – Rey Leonardo Guerrero: “Tôi đã nói thẳng với ông ấy, ‘Ma túy [vẫn] đang chảy vào đất nước. Tôi muốn ông ấy giết hết … dù sao, tôi sẽ hỗ trợ ông và ông sẽ không bị bỏ tù. Nếu đó là bọn buôn ma túy, ông cứ bắn và giết. Đó là biện pháp an ninh tốt nhất”, Duterte nói, và không giải thích chi tiết.
Được biết, hơn 5.700 nghi phạm – hầu hết là tội phạm ma túy đã bị giết trong cuộc truy quét ma túy của Duterte, điều này đã khiến các nhóm nhân quyền và chính phủ phương Tây cảnh báo, đồng thời châm ngòi cho một cuộc điều tra cáo buộc tội ác chống lại loài người tại Tòa án Hình sự Quốc tế. Ông Duterte đã tuyên bố không dừng lại, và sẽ tiếp tục cuộc truy quét trong 2 năm cầm quyền còn lại của ông.
Việt Anh (t/h)