Hơn 70 năm sau khi làm bảo vệ một trại tập trung cho Đức Quốc xã, ông Bruno Dey vẫn phải ra hầu tòa và bị xét xử vì tội đồng lõa giết 5.230 mạng người.
Bruno Dey đã phải ra hầu tòa vào ngày 17/10 vừa qua tại tòa án bang Hamburg, nước Đức. Mặc dù đã 93 tuổi nhưng ông vẫn bị xét xử cho những tội lỗi trong quá khứ.
Trong phiên tòa, công tố viên Lars Mahnke đã trình bày lại chi tiết cách người Do Thái bị giết bằng khí gas, bị bắn chết hay bị bỏ đói đến chết trong trại tập trung Stutthof, nơi ông Dey đứng gác 75 năm trước.
Sau đó, công tố viên Mahnke tuyên bố, ông Dey bị buộc tội đồng lõa giết hại 5.230 người tại trại tập trung Stutthof trong khoảng thời gian từ tháng 8/1944 đến tháng 4/1945.
Mặc dù không có bằng chứng nào về việc ông Dey liên quan trực tiếp đến các vụ giết người ở Stutthof, nhưng các công tố viên cho rằng với tư cách là người bảo vệ trại, ông đã tiếp tay cho các vụ thảm sát như “một mắt xích trong cỗ máy giết người”.
“Bị cáo không phải là người tôn sùng tư tưởng Đức Quốc xã. Nhưng cũng không nghi ngờ gì về việc ông không chủ động đứng lên phản đối cuộc đàn áp của họ”, các công tố viên nhận định.
Dey là một thợ làm bánh, hiện đang sống ở Hamburg, đã kết hôn và có 2 con gái.
Ông cho biết mình trở thành lính canh tại Stutthof từ năm 17 tuổi. Khi đó, ông không đạt tiêu chuẩn ra chiến trường nên được xếp vào đội bảo vệ của tổ chức Schutzstaffel, rồi được gửi đến Stutthof.
Vì là vị thành viên vào thời điểm đó, nên án phạt dành cho bị cáo sẽ là dưới 10 năm tù.
Được biết, trại giam Stutthof được Đức Quốc xã thành lập vào năm 1939. Từ khoảng năm 1940, nơi đây được sử dụng như một trại lao động cải tạo, nơi chủ yếu người Ba Lan và Liên Xô được gửi đến để thụ án. Họ thường bị cưỡng bức lao động và phải chết rục xương ở đây. Những người bị giam giữ khác bao gồm tội phạm hình sự, tù nhân chính trị, người đồng tính và những người theo giáo phái Nhân Chứng Giê-hô-va.
Cuối cùng, hơn 60.000 người đã bị giết ở đây bằng phương thức tiêm xăng hoặc phenol trực tiếp vào tim, bị bắn hoặc bị bỏ đói đến chết. Những người khác bị tra tấn bằng cách bỏ mặc ngoài trời vào mùa đông mà không có quần áo cho đến chết, hoặc bị giết chết trong buồng hơi ngạt.
Bruno Dey không phải là cựu sĩ quan duy nhất trong một trại tập trung của Đức Quốc xã bị buộc tội nhiều thập kỷ sau khi Thế chiến II kết thúc.
Năm 2011, một tòa án ở Đức đã xét xử John Demjanjuk tội đồng lõa trong vụ giết hại 28.060 người Do Thái trong thời gian làm bảo vệ tại trại tập trung Sobibor. Năm 2016, cựu bảo vệ của trại tập trung Auschwitz, Reinhold Hanning, 94 tuổi, cũng bị kết án vì đồng lõa trong vụ giết người hàng loạt tại tòa án Đức.
Thiện Thành (Theo The Epoch Times)
Xem thêm:
-
Tuân thủ mệnh lệnh hay sống theo chân lý (P1): Mệnh lệnh tàn ác và giấy phép giết người
-
Tuyên truyền để đàn áp: Từ Đức Quốc xã tới Đảng Cộng sản Trung Quốc