Tinh Hoa

Báo Thái Lan: Chờ chực mua vé xem bóng đá – Cực kỳ điên rồ!

Báo Thái Lan sau khi thấy cảnh “thượng đế” Việt Nam mua vé đã vội đăng những hình ảnh hot nhất cùng tiêu đề: “Cực kỳ điên rồ!” – để miêu tả cảnh mua vé ở Việt Nam hơn là miêu tả cổ động viên Việt Nam mê bóng đá.

Báo Thái Lan đăng bài và ảnh về “Cực kỳ điên rồ!” với cảnh mua vé ở sân Mỹ Đình. (Ảnh qua Bangkok)

AFF Cup 2018 vẫn là cảnh “thượng đế” đội mưa, mang ghế, chiếu… ngồi chầu chực từ đêm trước chờ mua vé vào sân Mỹ Đình. Chỉ có điều khác với những lần trước là thời gian chờ đợi đến khi mở quầy thì lâu, còn thời gian bán thì rất ngắn.

Ban tổ chức nói, phân phối qua kênh bán trực tiếp là 9.000 vé nhưng vèo một cái chỉ một buổi từ 8h sáng 11/11 đến 12h30 (từng người vào mua, một người tối đa bốn vé) thì thông báo “Hết vé!”. Chính việc thông báo đột ngột khi “hàng còn dài” và nhu cầu còn nhiều khiến nhiều người bực dọc và hoài nghi chuyện cái sân 40.000 chỗ mà “thượng đế” chỉ được “phục vụ” có 4, 5 tiếng, trong khi có người đội mưa, ngủ trước sân để giữ chỗ từ đêm trước.

Xét cho cùng thì năm 1998, khi Việt Nam đăng cai AFF Cup với cái sân Hàng Đẫy chỉ non 20.000 khán giả thì vé cũng phân phối kiểu đấy và thay cho cảnh xếp hàng ở sân Mỹ Đình là chen lấn trước các phòng vé ở đường Trịnh Hoài Đức.

Báo Thái Lan sau khi thấy cảnh “thượng đế” Việt Nam mua vé đã vội đăng những hình ảnh hot nhất cùng tiêu đề: “Cực kỳ điên rồ!” để nói cảnh mua vé ở Việt Nam hơn là cổ động viên Việt Nam mê bóng đá.

Cổ động viên đội mưa đi mua vé xem bóng đá. (Ảnh qua BangKok)

Cần phải phân biệt hai khái niệm đấy khác nhau vì Thái Lan từ khi đăng cai ở cái sân National 20.000 khán giả đến sân Rajamangala 60.000 khán giả thì họ cũng không “điên rồ” như thế.

Đúng là “điên rồ” vì “thượng đế” săn vé ngoài thời gian chầu chực đến cực khổ giữ chỗ nhích từng phân đến quầy vé còn phải gánh những khoản phí như 30.000 đồng gửi xe, 15.000 đồng một chai nước, 20.000 đồng một gói xôi… vật vã đến thế nhưng bước ra khỏi quầy không xa thì chợ đen đã đứng đầy với xấp vé trên tay rao bán giá 3 triệu đồng/cặp.

Không “điên” sao được khi số lượng vé phân phối được phân loại: Khoảng 3.000 vé bán trực tuyến trên website, 9.000 vé bán trực tiếp tại quầy, 11.000 vé qua đường công văn phục vụ các cơ quan, tổ chức, công ty… Phần còn lại là giấy mời, vé cho nhà tài trợ, CLB tại V-League và các tuyển thủ…

Báo Thái ví “điên rồ” rồi còn so sánh cách bán vé của họ thời 4.0 đó là toàn bộ số vé đội tuyển Thái Lan thi đấu tại AFF Cup 2018 được LĐBĐ Thái Lan bán trực tuyến qua mạng. Điều mà nhiều giải đấu ở Việt Nam như giải bóng rổ chuyên nghiệp cũng đang thực hiện rất thành công và không sợ bị đầu cơ hoặc người cần xem cần cổ vũ thực thụ thì không có vé.

Mới đây một PV của trang web thể thao đã đề cập trên bài viết của mình về “nạn” vé làm khổ “thượng đế” khi PV này từng nhập vai người mua vé và tìm hiểu những người xếp hàng. Kết quả là có người xếp hàng thuê và có “cụ” nói thẳng rằng, chẳng mê banh bóng gì nhưng cứ xếp, cứ mua vì biết chắc có lãi rất nhiều khi sang tay bằng mấy ngày bán nước trước sân (!?).

Lại cũng rất nhiều người khẳng định ban tổ chức không muốn phân phối vé theo kiểu như các nước từng làm thời 4.0 mà thích giữ như thời 0.4 hay thời bao cấp vì có “khó”, có “hiếm” mới có “khôn”.

Tất nhiên, nhiều người cũng sẽ hiểu vì sao dân vé chợ đen dám chào cả vé VIP được mời nước. Những loại vé không bao giờ bán mà chỉ là “Mời”.

Thế mới biết vé “Mời” (vé không chịu khoản thuế) cũng có cái giá rất đắt của “Mời”.

Theo Phapluat