Vào năm 1996, Bảo tàng Kỳ Mỹ nằm ở thành phố Đài Nam, Đài Loan, từng được tạp chí Forbes mô tả là “một trong những bộ sưu tập nghệ thuật đáng kinh ngạc nhất thế giới”.
Bảo tàng Kỳ Mỹ được ca ngợi là Bảo tàng Louvre ở Đài Loan. Bảo tàng được doanh nhân nổi tiếng người Đài Loan Hứa Văn Long thành lập vào năm 1992. Ông là người sáng lập tập đoàn Kỳ Mỹ, đồng thời cũng là một người yêu nghệ thuật và là nghệ sĩ violon nghiệp dư.
Với diện tích khoảng 10ha tại Công viên Thành phố Đài Nam, Bảo tàng Kỳ Mỹ là một công trình kiến trúc mang phong cách châu Âu khá bắt mắt. Đây là bảo tàng tư nhân lớn nhất ở Đài Loan, còn được gọi là Bảo tàng Louvre của Đài Loan. Công trình này mất bốn năm để xây dựng với tổng chi phí 1,85 tỷ Đài tệ (61,6 triệu USD), sau đó được tặng cho chính quyền thành phố Đài Nam khi đã hoàn thiện vào năm 2012.
Phía trước khu bảo tàng Kỳ Mỹ là một bản sao của Đài phun nước Apollo tại Cung điện Versailles, Pháp, mô tả thần Mặt trời Hy Lạp Apollo vươn lên từ biển lúc bình minh trong cỗ xe tứ mã của mình.
Trước khi bản sao được chuyển đến Đài Loan, phải mất ba năm để làm khuôn cho công trình này tại Pháp, và ba năm nữa để điêu khắc đá cẩm thạch tại Ý. Đài phun nước Apollo trông rất hoành tráng, nhưng hệ thống đài phun nước chỉ phun trào vào một thời điểm nhất định để tiết kiệm nước.
Hãy cùng thưởng thức video giới thiệu về Bảo tàng Kỳ Mỹ dưới đây:
Giữa bảo tàng và đài phun nước Apollo là cầu Olympus, nơi các bức tượng của 12 vị thần và các nữ thần Hy Lạp được đặt ở hai bên. Cầu Olympus và Muse Plaza là những địa điểm lý tưởng, nơi nhiều người thường đến để chụp ảnh cưới hoặc ảnh tốt nghiệp.
Sau vài thập kỷ, bảo tàng đã mở rộng bộ sưu tập của mình lên hơn 13.000 tác phẩm, chủ yếu là các tác phẩm về nghệ thuật phương Tây, nhạc cụ, vũ khí và lịch sử tự nhiên. Hiện tại, có khoảng một nửa bộ sưu tập, từ 6.000 đến 7.000 tác phẩm đang được trưng bày.
Bảo tàng Kỳ Mỹ hiện có sáu triển lãm thường trực và một triển lãm tạm thời về nhiều chủ đề khác nhau. Dưới đây là các đường dẫn liên kết các hình ảnh thực tế ảo Google 720° của một số triển lãm như: The Beauties of Simplicity — Henk Helmantel, Life’s Grandeur — A Journey of Evolution, Attack and Defense — The Evolution of Arms and Armour, Breaking New Ground for the Future — Rodin and His Circle, The Sense of Beauty — The Western Arts from 13th-20th Century, The Sound of Music — Making, Playing and Recording, Early Violins from Various Schools — Great Makers and Their Works.
Bảo tàng tự hào là một trong những bộ sưu tập violon lớn nhất thế giới. Tính đến năm 2015, bảo tàng đã có hơn 1.362 cây đàn violon, bao gồm cả những cây đàn của Antonio Stradivari, Guarneri del Gesu, Nicolo Amati, Amati, Rogeri, Jacob Stainer, Joseph Guarneri Filius Andrea, Seraphin, Gagliano, Vincenzo Rugeri, Guadagnini và những nghệ nhân nổi tiếng khác.
Trong số đó có một cây đàn tên là “Ole Bull”. Nó được tạo ra bởi “Vua Joseph”, Guarneri del Gesu (1698-1744) năm 1744 và được đặt theo tên nghệ sĩ violon người Na Uy, Ole Bull. “Ole Bull” được tuyên bố là kho báu quốc gia của Na Uy, nhưng ông Hứa đã đấu giá thành công tuyệt tác này vào năm 1992. Nó là phần có giá trị nhất trong bảo tàng Kỳ Mỹ, giá trị của nó ước tính khoảng 300 triệu Đài tệ (10 triệu USD).
Những cây đàn violon và Cello quý giá này không chỉ được trưng bày tại Bảo tàng Kỳ Mỹ để công chúng chiêm ngưỡng, mà hơn 220 trong số đó đã được hơn 3.000 nghệ sĩ mượn để biểu diễn trong nhiều năm, bao gồm cả những nghệ sĩ nổi tiếng thế giới như Mã Hữu Hữu và Lâm Chiêu Lượng, hoàn toàn miễn phí.
Thêm vào đó, khu vườn xinh đẹp và hồ nước trong xanh bên ngoài bảo tàng càng làm cho khu bảo tàng trông giống như một bức tranh tuyệt đẹp. Bảo tàng Kỳ Mỹ thực sự là một điểm đến lý tưởng cho những ai trân trọng nghệ thuật hoặc đơn giản là đang tìm kiếm một nơi nghỉ ngơi cuối tuần.
Bảo San, theo Vision Times