Bão Sanba đã vào đất liền Philippines và đang di chuyển nhanh tiến đến nước ta, dự kiến sẽ vào biển Đông đúng 30 Tết.
Chiều 11/2, áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông miền Nam Philippines đã mạnh lên thành bão, tên quốc tế là Sanba.
Đến hồi 7h sáng 13/2, vị trí tâm bão Sanba ở vào khoảng 8,8 độ Vĩ Bắc; 126,5 độ Kinh Đông, trên đất liền miền Nam Philippines với sức gió mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Đến 7h sáng 14/2, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,2 độ Vĩ Bắc; 120,5 độ Kinh Đông, cách đảo Palawan, Philippines, khoảng 210km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 11.
Sau đó bão sẽ di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 30km, đi vào biển Đông nước ta. Đến 7h sáng 15/2 (30 Tết), vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,5 độ Vĩ Bắc; 116 độ Kinh Đông, cách đảo Trường Sa (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 450km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió giữ nguyên cấp 8, giật cấp 11.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km/h. Đến 7 giờ sáng 16/2, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,5 độ Vĩ Bắc; 113 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận khoảng 500km về phía Đông Đông Nam. Nếu vẫn duy trì cấp độ trước thì bão Sanba sẽ trở thành cơn bão số 2 của năm 2018.
Nhằm ứng phó với bão, chiều 12/2, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có công điện hỏa tốc gửi Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Kiên Giang, yêu cầu khẩn cấp thực hiện 5 nhiệm vụ quan trọng.
Thông báo cho chủ và thuyền trưởng các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ trộng các biện pháp phòng tránh phù hợp. Nắm bắt và tổng hợp các tình hình tàu thuyền hoạt động trên biển, ven bờ và khu vực các đảo.
Thường xuyên theo dõi diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng, giữ liên lạc với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu và liên hệ với các quốc gia, vùng lãnh thổ liên quan sẵn sàng hỗ trợ ngư dân tránh trú bão khi có nhu cầu.
Bộ Thông tin – Truyền thông chỉ đạo các nhà mạng viễn thông sẵn sàng phương án nhắn tin tới các thuê bao di dộng trong khu vực bị ảnh hưởng của bão để chủ động phòng tránh.
Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, thường xuyên báo cáo về Văn phòng trực Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai và Văn phòng Uỷ ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Tú Văn (t/h)