Trong chuỗi bài Road Trip 2015, trang công nghệ CNET (Mỹ) đã đặt ra dấu hỏi về thị trường nào dành cho chiếc điện thoại Bphone của Bkav, công ty tự hào khi lần đầu tiên thiết kế và sản xuất một smartphone mang thương hiệu Việt?
Bphone được Bkav ra mắt vào cuối tháng 5/2015 với lời chào là smartphone đầu tiên được thiết kế và sản xuất tại Việt Nam. Phóng viên CNET cho rằng, đây là một thiết bị có kiểu dáng đẹp, mang đến 6 biến thể với chi phí từ 10,99 triệu đồng đến 22,2 triệu đồng.
Theo nhận định từ CNET, nhiệm vụ mà Bkav muốn hướng đến thông qua Bphone đó là tạo ra cuộc cách mạng về công nghệ tại Việt Nam, nhưng mức giá dành cho thiết bị khá cao nếu đem so với chiến lược của các công ty nước ngoài. Cụ thể, trong khi Bkav hướng thẳng đến phân khúc cao cấp, thì Xiaomi lại chọn thị trường giá rẻ phù hợp với đại đa số người dân Trung Quốc.
Rõ ràng, mục tiêu của Bkav không phải là không có cơ sở khi mà người Việt Nam được cho là không ngại chi tiền để mua thiết bị điện tử (24 triệu smartphone đã được bán tại Việt Nam vào năm 2014 và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, theo Strategy Analytics).
Vấn đề là, thu nhập trung bình của công nhân tại Việt Nam trong 1 tháng chỉ khoảng 3 triệu đồng, nên Bphone là quá đắt. Trong khi đó, sự khoe khoang của CEO Nguyễn Tử Quảng cho rằng Bphone là smartphone tốt nhất thế giới cũng đi ngược lại sự khiêm nhường của người Việt. Điều này khiến CNET đặt câu hỏi lớn về tương lai của Bphone.
“Thiết kế” hay “sản xuất” tại Việt Nam?
Tại nhà máy của Bkav, vào giờ ăn trưa có khoảng 30 công nhân được giao nhiệm vụ lắp ráp sản phẩm, bao gồm công việc loại bỏ bụi ra khỏi các thành phần và gắn chúng lên backplate của smartphone.
Ở phân xưởng cơ khí, có khoảng 50 công nhân chịu trách nhiệm sản xuất khung kim loại, khe SIM và hộp tai nghe, cũng như tạo nguyên mẫu thiết bị và mô hình cho các thành phần khác để thuê đối tác sản xuất. Nếu nhận được phản hồi thị trường tốt, Bkav sẽ mở thêm một nhà máy lớn ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội).
Được biết, Bkav đã rót khoảng 20 triệu USD, thuê 200 kỹ sư và 4 năm phát triển Bphone. Ngoài các thành phần cơ bản điện thoại được lắp ráp, Bphone cũng tạo ra hệ điều hành BOS (dựa trên Android) đi kèm nhiều ứng dụng do chính Bkav thiết kế, bao gồm cả phần mềm chống virus riêng.
Thế nhưng, CNET cho rằng sử dụng thuật ngữ “Made in Vietnam” trên Bphone thực sự là một vấn đề, bởi lẽ các thành phần như chip xử lý Qualcomm không phải do chính Bkav sản xuất.
Một “kiệt tác” lạ lẫm đối với nhiều người Việt
Theo CNET, CEO Nguyễn Tử Quảng là một nhân tài khi đã tạo ra phần mềm chống virus Bkav lúc còn đang là sinh viên đại học năm thứ ba (1995), sau đó thành lập ra một trong những công ty phần mềm an ninh lớn nhất tại Việt Nam.
Tuy nhiên, họ cũng cho rằng CEO Bkav thực sự không phải là một người có tính khiêm nhường, lại thích khoe khoang, đó là lý do vì sao ông có những biệt danh như “Quảng Nổ” hay “Bom Quảng”. Đơn cử, Bphone khi ra mắt được vị CEO này liên tục sử dụng những thuật ngữ như “thật không thể tin nổi”, hay đó là một “kiệt tác”.
Bác bỏ những chỉ trích, ông Tử Quảng cho rằng đó là điều mà CEO của một công ty cần phải thực hiện, mặc dù nó không phải là điều phổ biến tại Việt Nam.
Vấn đề là, dù đã hết sức “nổ” nhưng Bphone vẫn là một cái tên rất lạ lẫm đối với nhiều người dùng tại Việt Nam, thậm chí có những người không biết đến sự tồn tại của sản phẩm.
Apple và Samsung vẫn chiếm lĩnh
Tại Việt Nam, có rất nhiều thương hiệu công nghệ gia nhập, thế nhưng Apple và Samsung vẫn là cái tên được xem phổ biến nhất, với hơn một nửa số smartphone bán ra trong quý 1/2015 đến từ hai thương hiệu này.
Đi dọc các con đường ở Hà Nội, phóng viên CNET thấy rất nhiều cửa hàng điện tử sử dụng logo Apple hoặc iPhone để hút khách. Không dừng lại ở đó, logo Apple còn được sử dụng ngay cả trên mũ bảo hiểm xe máy, áo của nữ thợ may ở Hội An… Cần biết rằng Apple không có bất kỳ cửa hàng chính thức nào ở Việt Nam.
Ngoài Apple, Samsung cũng là một cái tên được người dùng Việt quan tâm, đặc biệt khi công ty này đã rót gần 9 tỉ USD để đầu tư vào dây chuyền lắp ráp và sản xuất các thiết bị mới nhất của mình tại Việt Nam.
Rõ ràng, đây chính là một thách thức với Bkav. Công ty cần phải tìm cách thuyết phục người dân từ bỏ các nhãn hiệu mà họ yêu thích để quan tâm đến một điện thoại Made in Vietnam.
Theo CNET, nếu mọi người đã chấp nhận bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua một Bphone thì không có lý do nào ngăn cản họ chi thêm một số tiền nữa để tiếp cận với một thương hiệu điện thoại nổi bật hơn.
Theo Thanhnien