Tinh Hoa

Báo Mỹ: Đào tạo công nghệ cao ở Việt Nam còn nặng lý thuyết

VOV.VN – Theo tờ CNET của Mỹ, các trường đào tạo công nghệ ở Việt Nam còn nặng lý thuyết, chưa chú trọng nhiều tới thực hành.

>>

Trong loạt bài viết mang tên Road Trip 2015 (con đường 2015), tờ CNET đề cập đến mô hình đào tạo nhân lực công nghệ ở Việt Nam. CNET cho rằng, đa số sinh viên công nghệ Việt Nam ra trường phải đào tạo lại khi họ được nhận vào làm ở các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Samsung, LG..

Nhà máy của LG tại Hải Phòng. (Ảnh: Shara Tibken/CNET)

Tác giả Shara Tibken đã đến tận các lớp học dành cho các lao động kỹ thuật cao để tìm hiểu về quy trình đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công nghệ mới. Tác giả cho biết, các học viên được dạy cách phát triển ứng dụng cho iPhone, iPad bằng ngôn ngữ lập trình Swift của Apple, cũng như các ứng dụng iOS, Android và Windows Phone.

Bất cập giữa lý thuyết và thực hành

“Những điều bạn học tại trường không phù hợp với công việc thực tiễn”, người hướng dẫn lớp học công nghệ cao Pham Khoa chia sẻ. Anh cho rằng hầu hết các trường ở Việt Nam đều dạy lý thuyết nhiều hơn thực hành.

CNET nhận định, sau khi tốt nghiệp, sinh viên Việt Nam thường phải được đào tạo thêm vài tháng, thận chí hàng năm, để có thể đứng máy ở các dây chuyền sản xuất công nghệ cao. Thực tế này được hàng chục nhà tuyển dụng xác nhận.

Khóa đào tạo ứng dụng công nghệ mới của Pham Khoa. (Ảnh: Shara Tibken/CNET)

Tờ báo này cho hay, dù sinh viên ra trường thường chưa thể đáp ứng nhu cầu của ngành công nghệ cao, tiêu chuẩn giáo dục tại Việt Nam lại ở mức rất cao. Một học sinh 15 tuổi tại Việt Nam có điểm số các môn đọc, toán và khoa học cao hơn so với nhiều nước phát triển như Anh, Mỹ…

CNET cho rằng, nhiều công ty lớn tìm đến Việt Nam nhờ nguồn nhân lực trẻ dồi dào giá rẻ. Một công nhân công nghệ tại Việt Nam có thu nhập bằng khoảng 1/3 so với công nhân Trung Quốc (năm 2013, lương tháng trung bình của công nhân nhà máy tại Hà Nội là 145 USD, so với 466 USD tại Bắc Kinh).

Những năm qua, số công ty công nghệ đầu tư vào Việt Nam gia tăng nhanh chóng. Intel – nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới – mở nhà máy trị giá 1 tỷ USD tại TP HCM năm 2010. Nhà máy sản xuất thiết bị di động của Microsoft chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nhà cung cấp màn hình LCD cho Apple là Wintek cũng đã có mặt tại đây, trong khi LG sản xuất mọi thứ, từ smartphone cho đến TV, tại một nhà máy ở Hải Phòng. Năm ngoái, 1/3 lượng điện thoại thông minh (smartphone) Samsung bán ra trên toàn cầu có xuất xứ từ Việt Nam.

Hiệu ứng Samsung

Trong vòng 7 năm qua, Samsung đạt doanh thu 9 tỷ USD từ các nhà máy tại Việt Nam. Hãng này vừa được chính phủ Việt Nam phê duyệt dự án sản xuất smartphone và máy tính bảng (tablet) trị giá 1 tỷ USD tại Bắc Ninh.

Samsung tạo công ăn việc làm cho khoảng 110.000 lao động tại Việt Nam, chủ yếu ở Bắc Ninh và Thái Nguyên.

Ngoài các nhà máy ở miền Bắc Việt Nam, Samsung đang xây dựng một nhà máy điện tử tiêu dùng tại Khu công nghệ cao Sài Gòn. Nhà máy này dự kiến sẽ tạo công ăn việc làm cho 5.000 lao động khi đi vào hoạt động đầu năm 2016. (Ảnh: Shara Tibken/CNET)

CNET trích lời ông Nguyen Van Dao, lãnh đạo của Samsung Việt Nam cho biết: “Việt Nam đang phát triển, do đó chúng tôi có cơ hội không chỉ trong kinh doanh mà còn nguồn lao động”. Tuy nhiên, vị này cũng cho hay, giáo dục tại Việt Nam dựa nhiều vào lý thuyết, thiếu thực hành. Vì thế Samsung phải đào tạo lại những nhân công mới tuyển dụng về kỹ năng thực hành và kỹ năng mềm để đáp ứng nhu cầu công việc.

Samsung không phải là công ty duy nhất đề cập đến vấn đề đào tạo sau khi tuyển nhân sự mới. LG – công ty vừa mở một nhà máy rộng 800.000 m2 tại Hải Phòng – cũng buộc phải tuyển công nhân trước để đào tạo, sau đó mới đàm phán với các đơn vị.

Ông Phong – Giám đốc nhà máy cho biết, LG đang tính kế hoạch nhân sự cho 3 năm tiếp theo, đặc biệt là tìm những nhà điều hành và quản lý có kinh nghiệm. Thông thường, LG phải đào tạo nhân công ở trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) trong 3 năm, trước khi họ có thể thực hiện các dự án riêng, ông Phong nói.

Theo ông, khoảng 30% nhân công có thể đảm nhận các công việc liên quan đến thử nghiệm chất lượng hoặc bảo hành sản phẩm sau 4 tháng đào tạo. Số còn lại cần được giám sát trong khoảng một năm.

Công ty Jabil của Mỹ đặt nhà máy tại TP HCM phải đào tạo tiếng Anh cho các nhân viên người Việt. Ông Patrick Tan, quản lý của Jabil tại Việt Nam cho biết, các sinh viên mới tốt nghiệp đại học ở Việt Nam rất khó đáp ứng được yêu cầu công việc khi được tuyển vào Jabil làm.

Công ty Jabil của Mỹ tại TP HCM. (Ảnh: Shara Tibken/CNET)

Ông Patrick Tan cho hay, Jabil phải bỏ kinh phí đào tạo hàng năm để giúp các nhân viên người Việt cải thiện kỹ năng chuyên môn và giao tiếp bằng tiếng Anh.

Một trong những công ty lớn nhất của Mỹ hướng đến Việt Nam là Intel. Nhà sản xuất chip này mở một dây chuyền thử nghiệm tại TP HCM năm 2010. Cũng giống như các hãng công nghệ lớn khác hoạt động tại Việt Nam, Intel phải đối mặt với vấn đề đào tạo nhân lực.

Intel đã nhờ trường Đại học bang Arizona đào tạo cấp tốc các kỹ sư tại Việt Nam. Họ phát hiện, cách tốt nhất là đào tạo các giảng viên từ 8 trường đại học Việt Nam theo cách hiện đại hơn. Họ thành lập Chương trình liên kết đào tạo kỹ thuật cao (HEEAP). Từ năm 2010, HEEAP đã đào tạo 291 giảng viên người Việt Nam, trong đó có 71 giảng viên nữ, với các khóa học kéo dài 6 tuần.

Topica, một công ty mới khởi nghiệp tại Hà Nội, cung cấp các khóa đào tạo tiếng Anh và các lớp học trực tuyến. (Ảnh: Shara Tibken/CNET)

Tiến sĩ sinh học Nguyen Ba Hai, giám đốc trung tâm đào tạo kỹ thuật số tại TP HCM cho biết, để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, ông đã thay đổi cách dạy học. Tuy nhiên, ông cho rằng hệ thống giáo dục tại Việt Nam chưa linh động, vì thế việc thay đổi phương pháp dạy học không phải là chuyện “một sớm, một chiều”./.

Theo VOV