Hoạt động thu thập mẫu DNA, các trại giam bí mật, và những vụ mất tích của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc gần đây có thể liên quan đến nạn cưỡng bức mổ cướp nội tạng một cách có hệ thống do nhà nước hậu thuẫn.
Phát biểu tại Nghị Viện Vương quốc Anh vào ngày 13/12, Ông Dolkun Isa, Chủ tịch Hiệp hội Người Duy Ngô Nhĩ Thế giới, một tổ chức quốc tế cho người Duy Ngô Nhĩ lưu vong, đã nêu lên mối lo ngại rằng chính quyền Trung Quốc có thể đang nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ để thu hoạch và buôn bán nội tạng.
“Chúng tôi đã bị chính quyền Trung Quốc quấy rối nghiêm trọng khi thu thập mẫu máu của người Duy Ngô Nhĩ ở Đông Turkestan”, ông Isa cho biết tại một cuộc thảo luận bàn tròn về vấn đề thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc, theo trang web của World Uyghur Congress. Đông Turkestan là tên được người Duy Ngô Nhĩ sử dụng để khẳng định quê hương của họ, nằm ở Tân Cương, phía tây bắc Trung Quốc.
Lấy mẫu máu
Vào ngày 13/12, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) cho biết chính quyền Trung Quốc ở Tân Cương bắt đầu thu thập mẫu DNA, dấu vân tay, quét mống mắt và lấy mẫu máu của cư dân địa phương từ 12 đến 65 tuổi dưới hình thức một chương trình y tế công cộng.
“Một mặt, thu thập mẫu máu cho phép chính phủ Trung Quốc thiết lập một cơ sở dữ liệu di truyền của người Duy Ngô Nhĩ để tiếp tục theo dõi, kiểm soát và đàn áp họ hơn nữa”, Isa nói.
“Thông tin di truyền này cũng khiến việc thu hoạch nội tạng, so sánh các nhóm máu và khả năng tương thích nội tạng của các nạn nhân Duy Ngô Nhĩ dễ dàng hơn”, ông nói thêm.
Ông Isa đưa ra cảnh báo 2 tháng sau khi kênh thông tấn China News Service (CNS) cho biết Công ty Hàng không Nam Phương Trung Quốc đã mở một đường cao tốc vào tháng 5/2016 để vận chuyển tạng người đến hoặc đi từ Tân Cương để sử dụng cho phẫu thuật cấy ghép.
Người Duy Ngô Nhĩ từ lâu đã phải chịu áp bức dưới sự cai trị của chính quyền Trung Quốc nhằm xóa bỏ tôn giáo, văn hoá và ngôn ngữ của họ. Hoạt động tăng cường kiểm soát gần đây của nhà nước Trung Quốc liên quan đến những lo ngại về sự phát triển các phong trào ly khai của người Duy Ngô Nhĩ.
Ngân hàng nội tạng sống
Theo Wang Zhiyuan, phát ngôn viên của Tổ chức Thế giới về Điều tra Cuộc bức hại Pháp Luân Công (WOIPFG), tin tức từ Tân Cương là một dấu hiệu khác cho thấy những bí mật đen tối về cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc vẫn chưa được phơi bày đầy đủ.
WOIPFG thông qua điều tra đã phát hiện tù nhân lương tâm là nguồn cung cho ngân hàng nội tạng được nhà nước hậu thuẫn ở Trung Quốc. Họ sẽ bị cưỡng bức mổ cướp nội tạng để bán cho những người cần cấy ghép. Hầu hết các nạn nhân của tội ác này đều là những người tu luyện Pháp Luân Công, vốn bị chính quyền Trung Quốc bức hại tàn bạo từ năm 1999, tuy nhiên cũng bao gồm người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ.
Trong khi bị giam giữ, các tù nhân thường bị kiểm tra máu một cách có hệ thống, nhằm mục đích kiểm tra khả năng tương thích của nội tạng đối với các ca phẫu thuật cấy ghép, theo cuốn “Thu hoạch đẫm máu”, một báo cáo điều tra toàn diện về nạn mổ cướp tạng ở Trung Quốc của luật sư nhân quyền David Matas và cựu Quốc vụ khanh Canada (khu vực Châu Á – Thái Bình Dương) David Kilgour.
Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, ngành công nghiệp cấy ghép tạng của Trung Quốc đã tăng vọt kể từ khi cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân phát động cuộc bức hại toàn quốc lên các học viên Pháp Luân Công vào năm 1999, từ đó hàng triệu học viên đã bị bắt và bị kết án tù.
Tháng 6/2016, Hạ viện Mỹ cũng đã nhất trí thông qua nghị quyết H.Res.343 lên án việc mổ cướp nội tạng các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Những sinh viên bị mất tích
Trong những tháng gần đây, phương tiện truyền thông cũng đã đưa tin các trường hợp người Duy Ngô Nhĩ mất tích không một dấu vết. “Gần đây nhất là trường hợp 23 sinh viên Duy Ngô Nhĩ trở về Trung Quốc từ Ai Cập sau đó đã biến mất. Chúng tôi có lý do mạnh mẽ để tin rằng nhiều người trong số những người mất tích đã chết trong trại giam của Trung Quốc và bị mổ cướp nội tạng đem bán”, Isa nói.
Theo tin tức ngày 14/12 trên Đài phát thanh Châu Á Tự do (RFA), gần 10% cư dân ở thị trấn Bullaqsu tại Tân Cương đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ trong năm 2017.
“Mỗi tuần, lại có những nhóm người bị bắt và đưa đến trại giam”, một cư dân của Bullaqsu hiện đang sống lưu vong viết trong bức thư gửi RFA.
Theo AP, từ đầu năm 2017, hàng ngàn người đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ và đưa vào các trại tập trung bí mật ở Tân Cương, vì bị buộc tội là có tư tưởng chủ nghĩa cực đoan khi đi du lịch hoặc học tập ở nước ngoài.
Các trại tập trung này được lập ra với mục đích ép người Duy Ngô Nhĩ học “Trung văn, luật pháp Trung Quốc, đoàn kết dân tộc, loại bỏ các ý tưởng cực đoan, chủ nghĩa yêu nước”, theo một bản ghi nhớ của phòng nhân sự Tân Cương. Tuy nhiên, ông Isa lo ngại rằng những trại tập trung này có thể còn có những mục đích tàn khốc hơn.
Hồng Liên, theo Epoch Times