Những vấn đề đang ngày càng phát sinh có xu hướng khiến nền kinh tế toàn cầu lâm vào tình trạng báo động đỏ.
Vài giờ sau khi các lãnh đạo của 20 nền kinh tế phát triển nhất thế giới tạo ra tín hiệu khả quan thông qua cam kết thúc đẩy sản lượng toàn cầu lên thêm 2.000 tỷ USD trong 5 năm thì Nhật Bản cho biết quốc gia này đã rơi vào suy thoái.
Suy thoái đã đưa nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào danh sách những nền kinh tế bất ổn.
Trung Quốc cũng đang tăng trưởng chậm lại và châu Âu thì dường như không thể cất cánh. Trong số các nền kinh tế lớn chỉ có Mỹ và Anh đang phát triển với tốc độ khá nhưng kéo dài bao lâu còn tùy thuộc vào mức độ bất ổn của những đối tác thương mại.
Trong một bài xã luận của tờ Guardian ra ngày Thứ Hai (17/11), Thủ tướng Anh David Cameron khuyến cáo “đèn báo động đỏ đang nhấp nháy đối với nền kinh tế thế giới”.
Dưới đây là những bất ổn tại một số nền kinh tế trọng điểm của thế giới.
Suy thoái ở Nhật Bản
Sự thụt lùi này không nằm trong kế hoạch.
Thủ tướng Shinzo Abe từng cam kết chấm dứt 2 thập kỷ trì trệ với một chiến lược gọi là “Abenomics”, bao gồm những chính sách đột phá trong cải cách và kích thích kinh tế. Nhưng nền kinh tế nước này vẫn suy yếu. Trong quý 3, sau khi đầu tư nhà ở và kinh doanh giảm xuống do tăng thuế tiêu thụ, tốc độ tăng trưởng của Nhật Bản đã giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Suy thoái vẫn xảy ra bất chấp những dự đoán về việc nền kinh tế sẽ phục hồi từ mức thụt lùi 3 tháng trước đó.
Chi tiêu tiêu dùng chững lại khi dân số giảm xuống và số lượng người già tăng lên. Thu nhập của hộ gia đình đạt đỉnh điểm từ hơn 1 thập kỷ trước và người lao động hiện đang ngày càng gặp khó khăn trong việc đáp ứng đủ chi tiêu với công việc hợp đồng hoặc bán thời gian.
Trong khi các nhà sản xuất cũng đang mất đi vị thế dẫn đầu trong cải tiến, song song với việc hoạt động sản xuất của Nhật Bản phải chuyển sang những địa phương ở nước ngoài có chi phí thấp hơn.
Sự suy yếu của Nhật Bản có thể cản trở tăng trưởng của những khu vực khác nếu những công ty tại đây cắt giảm đầu tư và nhập khẩu máy móc, thiết bị điện tử, nguyên liệu thô. Quốc đảo này còn là một trong những nhà nhập khẩu thực phẩm lớn nhất và là người mua khí đốt tự nhiên lớn thứ ba thế giới.
Tăng trưởng Trung Quốc suy giảm
Tăng trưởng của Trung Quốc, gã khổng lồ trong ngành sản xuất, đã chậm lại – từ 10,4% trong năm 2010 xuống mức ước tính là 7,5% cho năm nay. Bùng nổ tăng trưởng ở Trung Quốc đã trở thành một trong những động lực chính của nền kinh tế thế giới trong thập kỷ qua, vì vậy sự suy giảm của quốc gia này sẽ tạo nên hiệu ứng lan tỏa.
Vấn đề dành cho những lãnh đạo Trung Quốc là làm thế nào để kìm hãm tốc độ suy giảm của nền kinh tế qua đó duy trì mức độ tăng trưởng bền vững để tránh rơi vào tình trạng “sụp đổ”. Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng thúc đẩy chi tiêu trong nước đồng thời giảm sự phụ thuộc vào thương mại và đầu tư do nhà nước bảo trợ.
Vì Trung Quốc đã có những mối liên hệ thương mại vững chắc với phương Tây nên tăng trưởng chậm sẽ gây một số thiệt hại cho Mỹ và châu Âu. Với ngành sản xuất chiếm vai trò chủ yếu, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ vật liệu thô cực kì lớn, do đó tăng trưởng yếu sẽ đặc biệt làm tổn hại các nước sản xuất hàng hóa như Australia và Brazil.
Những thị trường mới nổi
Tăng trưởng chậm ở mức cao tại Trung Quốc đang gây ảnh hưởng đến nhiều thị trường mới nổi khác như Ấn Độ và Brazil.
Phần nhiều trong số những quốc gia này đã được hưởng lợi trước giờ từ dòng chảy đầu tư ổn định của các nền kinh tế phát triển. Vì lãi suất ở Mỹ và châu Âu đã ở mức thấp kỷ lục nên nhiều nhà đầu tư đã tìm cách thu lợi nhuận cao hơn ở những nơi có lãi suất cao hơn, như các thị trường mới nổi.
Tuy nhiên, điều này đang thay đổi. Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đang xem xét việc nâng lãi suất để thu hút đầu tư tại Mỹ hoặc rút lại tiền từ những thị trường mới nổi.
Khó khăn ở châu Âu
Nền kinh tế của 18 quốc gia châu Âu đang cố gắng tăng trưởng kể từ khi khu vực này xuất hiện suy thoái hồi năm ngoái. Phát triển của khu vực đồng tiền chung Euro trong quý 3 chỉ tăng 0,2% so với 3 tháng trước đó.
Những bất ổn trong khu vực xuất hiện do mối đe dọa từ giảm phát – khi giá giảm. Sự sụt giảm kéo dài sẽ tác động xấu đến tăng trưởng do tạo ra tâm lý trì hoãn chi tiêu khi người tiêu dùng hy vọng vào những giao dịch tốt hơn trong tương lai.
Trong khi đó, nợ công ở các nền kinh tế lớn như Pháp, Italy và Anh vẫn còn ở mức cao đồng nghĩa với việc các nước này sẽ phải hạn chế chi tiêu trong nhiều năm, do đó có khả năng sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế.
Khu vực đồng tiền chung châu Âu tạo nên nền kinh tế trị giá 13 tỷ USD, đứng thứ 2 thế giới có nghĩa là những bất ổn của khối cũng sẽ góp thêm ảnh hưởng cho nền kinh tế thế giới.
Hàn Mai, Hồ Duyên – Theo Yahoo News