Những đàn châu chấu lớn, với số lượng lên đến hàng trăm triệu con đang hoành hành ở nhiều quốc gia Đông Phi, tàn phá mùa màng và đe dọa nghiêm trọng tới an ninh lương thực, đặc biệt là ở những cộng đồng trước đó đã phải chịu hạn hán, chiến tranh và đói kém, theo AFP.
Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) ước tính các đàn châu chấu đã bao phủ một diện tích khoảng 2.400km2 ở Kenya. Ngoài ra, những đàn châu chấu cũng hình thành từng cụm bầy dài 60 km và rộng 40 km, đe dọa mùa màng của các quốc gia Đông Phi khác như: Somalia, Ethiopia, Sudan, Djibouti, Eritrea…
Riêng tại Kenya, nạn châu chấu đợt này có thể nói là tồi tệ nhất trong 70 năm qua. Ndunda Makanga, một nông dân Kenya cho biết: “Ngay cả những con bò cũng ngỡ ngàng trước những gì đang xảy ra. Cào cào, châu chấu chén sạch tất cả mọi thứ, từ bắp, đậu, cao lương”.
Theo Cơ quan Phát triển Liên chính phủ Kenya (IGAD), các đàn châu chấu di cư theo gió di chuyển 100-150 km mỗi ngày. Trung bình, một đàn châu chấu trong một ngày có thể phá hủy diện tích trồng lương thực đủ cho hơn 2.500 người.
Kipkoech Tale, chuyên gia kiểm soát dịch hại di cư của Bộ Nông nghiệp Kenya cho biết đã có khoảng 70.000 ha đất trồng trọt của Kenya bị ảnh hưởng. Mặc dù cơ quan này đã tiến hành phun thuốc diệt 20 đàn. Nhưng đó vẫn chưa là gì vì vẫn còn nhiều đàn hơn nữa đang bay đến. Số lượng châu chấu mỗi bầy có thể lên tới 150 triệu con/km2.
Nếu không kịp thời kiểm soát, FAO ước tính số lượng châu chấu có thể tăng gấp 500 lần vào tháng 6/2020, và lan sang Uganda, Nam Sudan, gieo rắc thảm họa lương thực cho một trong những khu vực nghèo nhất thế giới.
Điều tệ hại hơn là không chỉ cây lương thực, châu chấu còn ăn hết cả nguồn thức ăn cho gia súc, một nguồn sinh kế quan trọng. Vì thế, các gia đình ở Đông Phi hiện đang lo lắng không biết sắp tới họ sẽ sống thế nào.
“Chúng ta phải hành động nhanh chóng”, ông David Phiri, điều phối viên của FAO phát biểu, trong lúc tình trạng hoang mang của dân chúng đang bắt đầu lan rộng buộc một chuyên gia phải trấn an rằng đây không phải là dấu hiệu tận thế.
Được biết, trước khi dịch châu chấu bùng phát, gần 20 triệu người ở Đông Phi từ lâu cũng đã phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực cao do hạn hán và lũ lụt định kỳ.
Trong khi đó, một số khu vực của Somalia bị châu chấu hoành hành vẫn còn mắc kẹt trong vòng vây kiểm soát của tổ chức khủng bố cực đoan al-Shabab có dính líu với al-Qaeda. Ngoài ra, hàng triệu người dân Ethiopia cũng đang đối mặt với tình trạng bạo lực, và nam Sudan vẫn đang mắc kẹt trong xung đột nội chiến khiến cho nạn châu chấu càng khó kiểm soát hơn.
Thiện Thành (t/h)