Tinh Hoa

Báo cáo thống kê: 2.300 nhà báo bị giết trong 25 năm qua

Ít nhất 2.297 nhà báo và nhân viên truyền thông đã bị thiệt mạng trên toàn thế giới trong vòng 25 năm qua, theo báo cáo của Liên đoàn Quốc tế Các nhà báo (IFJ).

Nhà báo Lara Logan của kênh CBS phỏng vấn binh lính Mỹ ở Baghdad, Iraq năm 2006. (Ảnh: Getty Images/Chris Hondros)

Phần lớn các nhà báo chết vì bị giết hại cho thấy các mối xung đột trên thế giới ngày càng gay gắt, trong khi đó tình trạng thủ phạm không bị đưa ra công lý ngày càng trầm trọng.

Số liệu thống kê trong báo cáo của IFJ cho thấy lượng nhà báo và nhân viên truyền thông bị thiệt mạng luôn ở mức trên dưới 100 người/năm trong suốt 10 năm trở lại đây, gia tăng đáng kể so với mức 40 người của năm 1990.

Theo tin từ hãng AP, ông Anthony Bellanger, Tổng Thư ký của IFJ khẳng định trong một cuộc phỏng vấn rằng “Mười năm vừa qua là nguy hiểm nhất” đối với những người làm báo, trong đó kỷ lục nhất là vào năm 2006 với 155 người thiệt mạng.

Phần lớn các nhà báo bị thiệt mạng là những người phụ trách về các vấn đề chính trị, nhân quyền, tham nhũng, theo thống kê của Ủy ban Bảo vệ Các nhà báo (CPJ). Tính toán của Ủy ban này cho thấy, vào riêng năm 2015, trong số 71 nhà báo thiệt mạng, thì có đến 69% chết vì bị giết hại, 24% là do xung đột và chỉ 7% là vì tham gia nhiệm vụ nguy hiểm.

Cô Ruqia Hassan (30 tuổi), còn được biết đến với bút danh Nissan Ibrahim, đã bị IS hành quyết hồi tháng 9/2015. (Ảnh: Twitter)

Dù phần nhiều các nhà báo bị giết hại, tình trạng thủ phạm không bị truy tố ngày càng trở nên trầm trọng hơn, khiến kẻ giết người không phải gánh chịu trách nhiệm, còn các nhà báo thành mục tiêu sát hại dễ dàng. IFJ ước tính rằng chỉ có 1/10 các vụ giết người là được điều tra, còn tỷ lệ toà án kết tội còn thấp hơn, theo hãng tin AP.

Ông Bellanger nhận định: “Đây là vấn đề ngoại giao. Phải chấm dứt tình trạng những kẻ giết người không bị đưa ra công lý”, theo hãng tin AP.

Cũng theo báo cáo trên của IFJ, quốc gia nguy hiểm nhất đối với các nhà báo là Iraq với với 309 vụ giết hại trong 25 năm qua, đa số bắt đầu từ năm 2003 khi Hoa Kỳ phát động cuộc chiến tại đây.

Tiếp theo là Philippines với 146 vụ giết người, và Mexico với bạo lực liên quan đến ma túy đứng thứ ba với 120 vụ. Liên bang Nga cũng nằm trong danh sách 5 nước nguy hiểm nhất với 109 vụ giết hại nhà báo và các nhân viên truyền thông.

Vụ tấn công nổi bật nhất năm 2015 là vụ xả súng tại tòa soạn báo Charlie Hebdo tại thủ đô Paris của Pháp khiến 12 người chết, đây là vụ việc do 2 người Hồi giáo gây ra nhằm trả thù cho việc tờ báo này đăng tranh biếm họa về Thánh Mohammed.

Vụ khủng bố tòa soạn Charlie Hebdo hồi đầu năm 2015 đã gây căm phẫn trên toàn thế giới. (Ảnh: AFP)

Tổ chức Nhà báo không biên giới còn thống kê trong năm 2015, có tổng cộng 54 nhà báo bị bắt giữ làm con tin (gồm 26 người ở Syria). 153 nhà báo khác bị bắt giam, trong đó có 23 người ở Trung Quốc và 22 người ở Ai Cập.

Các nhà báo vẫn là mục tiêu dễ bị tấn công trong năm 2016. Tính đến nay đã có 8 nhà báo bị thiệt mạng, theo thống kê của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo.

Theo Daikynguyenvn