Tinh Hoa

Bánh chưng nhà Đại tướng

Gia đình con cháu Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở xa, đa số định cư ở Hà Nội nhưng cứ đến gần 30 Tết là đón nhau về Vũng Chùa bên mái Đèo Ngang tổ chức gói bánh chưng dâng cúng lên linh mộ Người.

Dịp tết Ất Mùi, mỗi ngày có hàng ngàn du khách đến viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Báo Quảng Bình.

Năm nay là cái tết thứ hai Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với Vũng Chùa – Đảo Yến (Quảng Đông, Quảng Trạch, Quảng Bình). Dòng người vẫn bất tận đến viếng Đại tướng. Mùa xuân Ất Mùi 2015, đến Vũng Chùa nghe kể thêm nhiều câu chuyện cảm động mà người dân nhớ về Đại tướng.

Hướng về Đại tướng

Con đường từ bãi đỗ xe dẫn lên linh mộ Đại tướng ở Vũng Chùa đã được lát đá thay vì đường cấp phối trước đây. Lòng người hướng về Đại tướng rất trân trọng, suốt 365 ngày, không ngày nào vắng bóng người dân, bên linh mộ của vị tướng huyền thoại có bóng thông reo. Thượng úy Khắc Ngọc Tân Hào (Đồn biên phòng Roòn), Đội trưởng bảo vệ khu mộ Đại tướng cho biết: “Từ ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với Vũng Chùa – Đảo Yến, đã có hơn 1.600.000 lượt khách hành hương viếng mộ. Người dân luôn dành tình cảm trân quý với Đại tướng nên anh em bảo vệ linh mộ cảm động vô cùng và luôn động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Trong dòng người hành hương hướng về Vũng Chùa, cụ Lê Thanh Khành ở làng Thọ Sơn, kể: “Tôi đã gần 80 tuổi, làng tôi là nơi an táng Đại tướng. Giao thừa xong là cả làng Thọ Sơn ra viếng mộ Đại tướng, không ai bảo ai cả, mọi người từ già, trẻ, phụ nữ mỗi người cầm trên tay bó hương dâng lên mộ Đại tướng. Không chỉ người ở Thọ Sơn mà người dân cả vùng Quảng Đông rồi các xã lân cận như Cảnh Dương, Quảng Phú, Quảng Hợp, Quảng Tùng… cũng đổ về Vũng Chùa trong mấy ngày tết. Phía bên kia mái núi Đèo Ngang, người dân ở Kỳ Nam, Kỳ Phương, Kỳ Thịnh, Kỳ Tiến, Kỳ Xuân, Kỳ Thượng… cũng đến viếng mộ Đại tướng với hoa cúc vàng tươi và nén hương thơm ngát. Dòng người hướng về Đại tướng trong mùa xuân Ất Mùi ở Vũng Chùa ngày càng nhiều thêm. Người dân ở miền Bắc như Hà Nội, rồi miền Nam như TPHCM cũng ra viếng mộ Đại tướng.

Bánh chưng nhà Đại tướng

Gia đình con cháu Đại tướng ở xa, đa số định cư ở Hà Nội nhưng cứ đến gần 30 Tết là đón nhau về Vũng Chùa bên mái Đèo Ngang tổ chức gói bánh chưng dâng cúng lên linh mộ người sinh thành. Hai năm nay việc làm này đã thành thông lệ, con cháu rồi chắt, chít của Đại tướng đều thực hiện thành tâm. Ông Võ Điện Biên, con trai cả của Đại tướng nói: “Cứ đến tết, cả đại gia đình vào Vũng Chùa gói bánh chưng, đặt thắp hương lên mộ ba xong là chia cho anh em bộ đội, rồi người dân của xã Quảng Đông và thôn Thọ Sơn”.

Trung úy Nguyễn Cảnh Lâm quê ở Đô Lương, Nghệ An đầy cảm xúc: “Nhận bánh chưng từ tay gia đình Đại tướng, tôi cảm động như muốn khóc. Đại tướng đã an giấc thiên thu nhưng tinh thần Đại tướng vẫn còn chảy mãi, vẫn quan tâm săn sóc những người lính nhỏ bé như chúng tôi. Là tấm bánh chưng thôi, nhưng gói trong đó bao nhiêu là tình cảm, bao nhiêu là ân cần như thể Đại tướng đang vỗ về anh em lính tráng làm nhiệm vụ lúc tết đến”.

Bánh chưng được gia đình Đại tướng gói hàng trăm cái, không những dành tặng cho bộ đội mà còn tặng đến tay người dân xã Quảng Đông. Cụ ông Lê Thanh Khành kể: “Tôi có cháu làm công tác Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ở xã Quảng Đông cũng được gia đình Đại tướng tặng bánh chưng. Thật cảm động, bà con nhân dân ở đây như chốn biên thùy, heo hút ngã Đèo Ngang mà có tấm bánh chưng của gia đình Đại tướng là nghĩa tình vô cùng”.

Đất hiền như cổ tích

Nhiều người đến Vũng Chùa vái vọng khói hương xong ra về, ít ai biết rằng, dưới hàng cây xanh kia là biển với bãi cát vàng mịn màng êm ái. Nhưng mùa xuân này, nhiều khách hành hương đến đây đã tự khám phá bãi biển hoang sơ này. Chị Trịnh Thị Yến từ miền Bắc vào đã ngỡ ngàng trước bãi biển thanh bình: “Như cổ tích, mặt biển lặng như mặt gương, xuống đây sau khi khói hương trước linh mộ Đại tướng, tâm hồn thư thái ra, bao muộn phiền, bao ồn ào náo nhiệt của cuộc sống như biến mất”.

Cũng là kỳ lạ, những ngày mưa to gió lớn, xung quanh Hòn La sóng gầm gào thét, ở biển Vũng Chùa vẫn thanh lặng bình yên. Bao cồn cào đâu đó réo rắt thì vụng biển trước mộ Đại tướng vẫn lặng lẽ vỗ về bờ cát mịn màng như dỗ giành giấc ngủ ngàn năm. Phía ngoài kia là đảo Yến với từng đàn chim Yến líu ríu gọi nhau tìm về hang tổ trong tiết trời mùa xuân mỗi ngày đông đúc hơn.

Biển Vũng Chùa mỗi sáng có tiếng gà gáy bên kia sườn núi, có tiếng người gọi nhau í ới làm đồng, lên núi, có tiếng ngư dân xỏa lưới gõ mạn thuyền dục cá. Phía trên lưng chừng núi Rồng, tháp chuông ngân liêng từng tiếng một làm không gian trở nên lắng sâu kỳ lạ. Chếch lên cao hơn tháp chuông, từng làn khói hương bốc lên, quấn từng sợi vào hàng cây trước mộ vị tướng nhân dân, mùi hương vướng víu rồi hòa vào mây nước bao la. Mùa xuân ở Vũng Chùa luôn đón vạn tấm lòng về với Đại tướng để được thành kính, để được khói hương thanh thản tấm lòng.

Theo Tiền Phong