Theo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi và bổ sung vừa được Quốc hội thông qua thì bắt đầu từ tháng 7 này, sinh viên ra trường sẽ nhận bằng có giá trị ngang nhau dù học chính quy hay tại chức.
Ngày 19/11/2018, Quốc hội khóa XIV của kỳ họp thứ VI thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học. Theo đó, Luật này sẽ chính thức được thi hành vào ngày 1/07/2019 với 9 điều mới.
Từ tháng 7 sẽ cấp bằng theo trình độ, không phân biệt hình thức đào tạo
Theo quy định trong luật Giáo dục ĐH sửa đổi (gọi tắt là luật GDĐH 2018), 2 loại hình đào tạo đại học chính ở nước ta là hệ chính quy và không chính quy (từ xa, tại chức, liên thông) phải có nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, chuẩn kiến thức kỹ năng, kiểm tra đánh giá, chuẩn đầu ra… đảm bảo chất lượng như nhau.
Khoản 1 điều 38 về Văn bằng giáo dục đại học quy định: ‘Văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương’.
Khoản 2 điều 38 viết: ‘Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của trình độ đào tạo theo quy định, hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm của người học thì được hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học cấp văn bằng ở trình độ đào tạo tương ứng’.
Theo đó, từ tháng 7 này, bằng cử nhân sẽ không ghi hình thức đào tạo chính quy hay không chính quy (tại chức, liên thông, đào tạo từ xa). Điều này cũng có nghĩa bằng chính quy và tại chức có giá trị ngang nhau.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ GDĐH, Bộ GD-ĐT cho biết, khác biệt giữa các loại hình đào tạo chỉ là về thời gian đào tạo và kỹ thuật tổ chức, quản lý đào tạo. Bởi vậy, luật quy định không phân biệt về giá trị văn bằng các hình thức đào tạo khác nhau.
Được tự mở ngành đào tạo ở tất cả các trình độ của GDĐH
Trong luật GDĐH 2018 quy định rõ điều kiện, yêu cầu thực hiện quyền tự chủ (tại khoản 2 điều 32). Theo đó, mức độ tự chủ của cơ sở GDĐH phụ thuộc vào việc đáp ứng đủ điều kiện tự chủ. Những cơ sở chưa đáp ứng được thì tiếp tục chịu sự quản lý chặt chẽ theo các quy định của luật.
Theo đó, Luật cho phép các cơ sở GDĐH đáp ứng đủ điều kiện sở đưa ra là chất lượng và phù hợp nhu cầu thì được tự mở ngành đào tạo ở tất cả các trình độ của GDĐH, chỉ trừ các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đào tạo giáo viên và an ninh, quốc phòng…
Tăng quyền lực cho hội đồng nhà trường
Theo luật GDĐH 2018, các quy định cụ thể về số lượng, cơ cấu thành viên; việc bổ sung, thay thế thành viên hội đồng trường… sẽ nằm trong nội dung quy chế và hoạt động của nhà trường, chứ không phải do nhà nước quy định.
Ngoài ra, Luật Giáo dục Đại học sửa đổi cũng quy định thêm về học phí và khoản thu dịch vụ khác. Theo đó, học phí là khoản tiền mà người học phải nộp cho cơ sở giáo dục đại học để bù đắp một phần hoặc toàn bộ chi phí đào tạo.
Cơ sở giáo dục đại học phải công bố công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí, dịch vụ tuyển sinh và khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khóa học, từng năm học cùng thông báo tuyển sinh và trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học; có trách nhiệm trích một phần nguồn thu học phí để hỗ trợ sinh viên khó khăn.
Vũ Tuấn (t/h)