Tinh Hoa

Bằng chứng tư tưởng tập thể có tác động vật lý lên thế giới xung quanh

Bạn có biết nếu nhiều người cùng chung một tư tưởng có thể tạo nên tác động vật lý lên môi trường xung quanh. Nghiên cứu tại Đại học Princeton có thể chứng minh điều này.

Các nghiên cứu tại Đại học Princeton đã gợi ý rằng khi có hai hoặc nhiều người hơn cùng đồng thời có chung một suy nghĩ hoặc cảm xúc, suy nghĩ của họ có thể tạo nên tác động vật lý lên môi trường xung quanh.

Sức mạnh từ suy nghĩ của con người không chỉ đơn thuần là đề tài về ý thức hệ mà nó thực sự có thể tạo ra những tác động vật lý; và chính sự liên kết tư tưởng giữa người với người có thể làm cho sức mạnh ấy trở nên cường liệt.

Roger Nelson đã điều phối những nghiên cứu ở Phòng thí nghiệm Nghiên cứu hiện tượng lạ thường thuộc Đại học Princeton (PEAR) trong hơn 20 năm qua. Hiện nay, ông là giám đốc Dự án Ý thức Toàn cầu, một công trình hợp tác giữa các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới để kiểm chứng sức mạnh tư tưởng của con người.

Từ những năm 1990, những nghiên cứu khảo sát của PEAR đã cho thấy tư tưởng của con người có thể tác động đến sự vận hành của một cỗ máy được biết với cái tên “máy phát số ngẫu nhiên” (random event generator – REG).

REG chỉ sản sinh ra những số 1 hoặc số 0. Nó tương tự như thiết bị điện tử tung đồng xu, chỉ sản sinh ra hai kết quả một cách ngẫu nhiên. Những người tham gia thử nghiệm được yêu cầu hướng ý định của họ vào cỗ máy để điều khiển nó sản sinh ra nhiều số 1 hơn hoặc nhiều số 0 hơn. Cỗ máy REG có xu hướng hiển thị tương đồng với suy nghĩ của những người tham gia ở một tỷ lệ cao hơn mức ngẫu nhiên.

 

Những cặp đối tượng, đặc biệt là những cặp có quan hệ tình cảm, dường như có tác động nhiều hơn lên REG.

Sau đó dữ liệu được thu thập theo nhóm. REG bị sai lệch nhiều hơn nữa khi nhóm đối tượng đang “chăm chú tham gia sự kiện, nghe hòa nhạc, và các hoạt động sáng tạo” so với khi họ bị đặt trong “tình huống bình thường hoặc lộn xộn”, theo một bản tóm tắt từ buổi nói chuyện của Nelson tại Hội nghị thường niên của Cộng đồng các khám phá khoa học được tổ chức vào cuối tháng 5 vừa qua.

Một vài trong những câu hỏi lớn Nelson đang đặt ra, theo bản tóm tắt này, bao gồm: “Liệu phản ứng cảm xúc khi trải qua một trận động đất tàn phá hay như cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 gây chấn động thế giới có thể sản sinh ra hiệu ứng?

Hay như sự nồng nhiệt của hàng tỷ fan hâm mộ World Cup? Liệu niềm vui chung trong những lễ kỷ niệm lớn có thể tạo ra những tác động thay đổi trong hoạt động của các thiết bị?

Ông đã bắt đầu đi tìm câu trả lời thông qua Dự án Ý thức Toàn cầu. Thông qua dự án này, các nhà nghiên cứu đã đồng thời quan sát những sai biệt trong những cỗ máy REG trên toàn thế giới khi các phương tiện truyền thông phát sóng tin tức về các sự kiện lớn trên toàn cầu. “Phát hiện cho thấy mối liên hệ vô thức sâu sắc giữa người với người có thể là nguồn gốc của mối tương quan mà chúng tôi tìm thấy trong các dữ liệu nếu nó không xảy ra ngẫu nhiên“, Nelson cho biết.

Nhà sinh vật học Rupert Sheldrake đã mô tả tính cộng hưởng tập thể từ một góc độ khác. Ví dụ, một nhóm động vật được đào tạo để biểu hiện một hành vi cụ thể nhằm phản hồi lại một kích thích cụ thể nào đó.

Khi đã có một nhóm động vật được huấn luyện thành công, nhóm động vật tiếp theo được đào tạo tương tự có khả năng tiếp thu hành vi giống như vậy một cách nhanh chóng hơn. Điều này cứ như thể là nhóm thứ hai đã nắm bắt khuôn mẫu hành vi do cộng hưởng từ nhóm thứ nhất ngay cả khi cả hai nhóm chưa tiếp xúc trực tiếp với nhau.

Theo Khoa học thú vị