Các nhà khoa học thuộc trường đại học London (Anh) cho rằng băng ở biển Bắc Cực đang tan chảy nhanh hơn dự đoán trước đây của các nhà bảo vệ môi trường.||
Tiến sĩ Seymour Laxon và cộng sự thuộc Trung tâm quan sát địa cực và mô hình – trường đại học London, đã tiến hành nghiên cứu tốc độ tan chảy của băng ở Bắc Cực thông qua dữ liệu gửi về từ vệ tinh quan sát CryoSat-2 của Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA).
Sau khi phân tích số liệu, các nhà khoa học nhận thấy 900 km3 băng ở Bắc Cực đã biến mất trong năm ngoái. Tốc độ này nhanh hơn 50% so với tốc độ dự đoán trước đây của các nhà bảo vệ môi trường cho rằng đến 2030 Bắc Cực sẽ không có băng vào mùa hè. Độ dày của các lớp băng ở Bắc Cực cũng giảm. Nguyên nhân được xác định là do tình trạng ấm lên toàn cầu và sự gia tăng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. “Kết quả phân tích dữ liệu ban đầu cho thấy tốc độ băng tan ở Bắc Cực vào mùa hè có thể nhanh hơn nhiều so với những dự đoán của chúng tôi trước đây”, tiến sĩ Seymour Laxon, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết trên Daily Mail. Nếu thực tế đúng như dự đoán thì toàn bộ khu vực Bắc Cực sẽ không còn băng vào mùa hè trong vòng 10 năm nữa. Điều nàycó thể dẫn đến một cuộc bùng nổ “cơn sốt” tìm kiếm dầu mỏ và ngư trường cá khổng lồ ở khu vực này. Các tàu ngầm cũng được đưa đến vùng biển Bắc Cực để phân tích các tảng băng. Các phân tích đã cho thấy tiến trình thay đổi của băng ở Cực Bắc từ năm 2004 đến nay. Dữ liệu nghiên cứu cho thấy lượng băng ở trung tâm Bắc Cực là 1.700 km3 vào mùa đông năm 2004, nhưng chỉ còn 14.000 km3 vào mùa đông vừa qua, theo số liệu của vệ tinh CryoSat-2. Hà Hương
|