Mắt chúng ta dù đầy lỗi, nhưng vẫn là một hệ thống vượt xa những chiếc camera tầm thường kia.
Theo giáo sư Roger Clark, một nhà khoa học kiêm nhiếp ảnh gia, thì độ phân giải của mắt chúng ta là 576 megapixel. Quả là một con số quá lớn khi so với cái mốc 12 megapixel trên camera chiếc iPhone 7 kia.Nhưng thực tế, con số ấy có nghĩa là gì? Liệu mắt ta có mang ra so sánh với camera theo cách này được không? Hãy thử tìm hiểu.
Từ máy ảnh kỹ thuật số DSLR cho tới TV màn hình phẳng, người ta luôn cố gắng chọn cho mình những thiết bị đem lại những hình ảnh rõ ràng nhất, mượt mà nhất và vừa mắt nhất. Nhưng những bước tiến trong công nghệ, cụ thể là trong lĩnh vực hiển thị đã đặt ra cho ta một câu hỏi mới: đến lúc nào thì mắt ta không còn nhận biết được đâu là thực đâu là ảnh nữa?
Khi ta biết được rằng mắt con người đạt tới bao nhiêu megapixel, có lẽ lúc ấy ta sẽ trả lời được câu hỏi này.
Độ phân giải 576 megapixel sẽ đồng nghĩa với một màn hình hiển thị có thể cho ta hình ảnh sắc nét và rõ ràng tới mức ta không thể phân biệt từng pixel nữa, và ta phải “nhồi nhét” làm sao cho đủ 576 triệu pixel vào trong tầm nhìn hiện tại của mình.
Để có được con số khổng lồ này, tiến sĩ Clark cho rằng độ sắc nét phải đồng đều ở mọi điểm trong tầm nhìn của mắt; đồng nghĩa với việc khi bạn di chuyển mắt, độ nét và các pixel bạn nhìn thấy không thay đổi gì. Nhưng thông thường khi nhìn lướt qua một thứ gì đó, độ phân giải bạn thấy sẽ bị giảm đi khoảng 5-15 megapixel.
Tại sao ư? Con người không hoàn hảo và mắt ta cũng vậy, chính những điểm lỗi của mắt ấy là những thứ mà một camera bắt hình ảnh bình thường không chấp nhận được.
Ví dụ, bạn chỉ có thể thấy được độ phân giải cao trong một khu vực rất nhỏ giữa tầm nhìn của mình, khu vực có tên là “hố thị giác”. Mắt ta có điểm mù nhất định, vị trí nằm trên võng mạc là nơi mà dây thần kinh thị giác đi vào nhãn cầu nhưng chưa chia ra thành những nhánh nhỏ có các tế bào nhạy sáng. Chính việc di chuyển của mắt từ điểm này tới điểm kia là để sửa những lỗi sai chính mắt gặp phải, khi bản thân nó không nhìn được toàn cảnh ngay lần đầu tiên.
Thực tế thì, câu hỏi đặt ra cho độ phân giải của mắt ta là một câu hỏi sai lầm. Mắt người không giống với ống kính máy ảnh, chụp lại những cảnh tượng mình nhìn thấy rồi lưu vào não bộ.
Chúng như những thám tử quan sát kĩ lưỡng, thu thập thông tin từ môi trường xung quanh rồi đưa vào não xử lý, biến nó thành một hình ảnh hoàn chỉnh.
Dù rằng có những độ phân giải đủ cao để mắt ta không biết “đâu là hư, đâu là thực”, nhưng khi nói về việc sử dụng mắt hàng ngày thì khái niệm “megapixel” kia là không đủ.
Mắt ta, dù không hoàn hảo, tuyệt vời hơn cái thuật ngữ ấy nhiều.
Theo genk