Tinh Hoa

Bán tên lửa S-300 cho Iran, ông Putin nhanh tay “ra đòn” với Mỹ

BizLIVE – Hành động của Tổng thống Nga vi phạm thỏa thuận khung, thất hứa với Tây phương. Nhưng điều này không gây ngạc nhiên, vì đây là chiến thuật truyền thống, chủ nhân điện Kremli luôn ra tay trước để tính sau.

Tên lửa phòng không S-300 của Nga trong lễ diễu binh tại Quảng trường Đỏ, Moscow, 09/05/2009.

Tự cho là thỏa thuận khung về hạt nhân Iran cho phép mua vũ khí, Tổng thống Nga ký sắc lệnh cung cấp các dàn tên lửa S-300 cho Teheran. Hành động này đi ngược sắc lệnh khác của Tổng thống tiền nhiệm là Dmitri Medvedev và đe dọa tiến trình đàm phán giữa Iran và các nước phương Tây để đi đến hiệp ước chính trị chung cuộc giải tỏa cấm vận, RFI bình luận.

Một lần nữa, chủ nhân điện Kremli thách thức các cường quốc Tây phương. Sau những thành công bảo vệ chế độ Damas, sáp nhập Crimea và chứng kiến sự bất ổn ở Ukraine, Tổng thống Putin đã diễn giải thỏa thuận khung về hạt nhân Iran.

Với lý do thỏa thuận này cho phép Iran mua vũ khí, ngày 13/4/2015, ông Vladimir Putin ký sắc lệnh thi hành hợp đồng bán tên lửa tối tân S-300 cho Iran.

Trên thực tế, thỏa thuận khung chỉ là bước đầu để Iran cùng 6 cường quốc Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức thương lượng một hiệp định chung cuộc. Theo thỏa thuận khung, Tây phương chỉ bỏ cấm vận từng bước tùy theo Iran có thi hành các điều kiện trói buộc hay không.

Như vậy, hành động của Tổng thống Nga vi phạm thỏa thuận khung, thất hứa với Tây phương. Nhưng điều này không gây ngạc nhiên, vì đây là chiến thuật truyền thống, chủ nhân điện Kremli luôn ra tay trước để tính sau.

Quyết định mới của ông Putin đi ngược lại với sắc lệnh khác của Tổng thống tiền nhiệm là Dmitri Medvedev và vi phạm một nghị quyết của Hội Đồng Bảo An mà Nga đã biểu quyết, RFI viết.

Năm 2010, ông Putin làm Thủ tướng Nga, Tổng thống Medvedev ký sắc lệnh cấm giao S-300 cho Iran, tuân thủ nghị quyết 1929 của Liên Hiệp Quốc trừng phạt chính quyền Iran vì chương trình hạt nhân mờ ám của Teheran. Sau đó, Iran đã phản ứng tức khắc nộp đơn kiện tại Tòa án trọng tài quốc tế đòi Nga phải bồi thường thiệt hại 4 tỷ USD.

Theo giải thích của Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov, việc cung cấp tên lửa cho Iran không nằm trong phạm trù nghị quyết Liên hiệp quốc cấm vận Iran năm 2010, do vậy Nga không cần chờ đợi Hội đồng Bảo An hủy bỏ cấm vận.

Ông nói thêm: S-300 là tên lửa phòng thủ, với khả năng chận đánh máy bay và hỏa tiễn, không đe dọa bất cứ nước nào trong khu vực, kể cả Israel.

Hàm ý giúp Iran đương đầu với Ả Rập Xê Út, Ngoại trưởng Nga cho rằng Iran cần vũ khí tối tân để tự vệ trong bối cảnh tình hình khu vực căng thẳng và biến động rất nhanh, điển hình là Yemen.

Quyết định bán tên lửa cho Iran là kế sách “một công đôi ba việc”, đầu tiên là hâm nóng quan hệ với chính quyền Hồi giáo trong bàn cờ địa chính trị.

Theo AFP, Nga và Iran cùng bị Tây phương trừng phạt kinh tế. Hai nước quyết định nâng đỡ nhau và cùng yểm trợ cho Syria, cũng đang bị trừng phạt.

Mặc khác, với quyết định thi hành hợp đồng bán S-300, Nga xóa được bất bình của Iran và thu được ít nhất 115 triệu USD, một nguồn ngoại tệ không nhỏ trong thời kinh tế khó khăn.

Vấn đề là món lợi tài chính và chính trị này sẽ đưa đến những hệ quả ra sao?

Bộ trưởng Bộ Tình báo Israel Yuval Steinitz chỉ trích Moscow “thay vì đòi hỏi Iran ngưng ủng hộ khủng bố ở Trung Đông thì người ta lại cho phép (Iran) trang bị vũ khí hiện đại”.

Theo Bộ trưởng Tình báo Israel, vụ việc này là bằng cớ cho thấy Israel có lý: Iran lợi dụng cởi trói kinh tế để mua vũ khí chứ không vì phúc lợi của người dân.

Nguy cơ nghiêm trọng hơn là quyết định của Nga đe dọa tiến trình đàm phán hạt nhân với Iran và ảnh hưởng đến khả năng giải tỏa cấm vận. Đích thân Ngoại trưởng John Kerry gọi điện thoại bày tỏ lo ngại với đồng nhiệm Nga.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Marie Harf nhận định, “vụ bán tên lửa không lợi ích gì” cho thỏa thuận chung cuộc. Còn Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định: “lệnh cấm bán công nghệ cao cấp cho Iran vẫn còn hiệu lực”.

Điều chắc chắn là tại Quốc hội lưỡng viện Mỹ, thành phần nghị sĩ chống đối thỏa thuận hạt nhân với Iran sẽ đông thêm.

TÚ ANH

Tin liên quan
Cùng dòng sự kiện

Theo BizLive