TP – Những ngôi nhà sàn cũ rích, những đứa trẻ nghèo ánh mắt ngơ ngác, và cô gái người Mông lầm lũi gùi đồ cuốc bộ dọc cung đường sơn cước – bức tranh một góc núi rừng Tây Bắc khát vọng đổi thay từng ngày ở Nậm Khắt (Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái). Một xã nghèo đang hướng tới xây dựng thành một địa chỉ du lịch, nghỉ dưỡng, với thời tiết như một Sa Pa thứ hai…
Nậm Khắt đang đón cơ hội phát triển du lịch cộng đồng Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Duy Cường dẫn đầu đoàn cán bộ tỉnh về làm việc với xã Nậm Khắt, Bí thư, Chủ tịch xã không thấy ra đón tiếp. Hóa ra hai cán bộ này vắng vì đi dự Đại hội trù bị Đảng bộ huyện. Ông Cường nói với họ từ hôm trước “các đồng chí cứ đi lên huyện họp đi, tôi sẽ làm việc với Bí thư xã Đoàn”… Thiên nhiên ưu đãi xã vùng cao Con đường bê tông dẫn vào xã lượn qua mấy cánh rừng thông mấy mươi năm tuổi, những triền ruộng bậc thang trải rộng tầm mắt. Mát mẻ, cảnh đẹp như vẽ. Nhưng Nậm Khắt lại chính là xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái nằm trên núi cao gần 2.000m, 94% đồng bào là người Mông, tỷ lệ hộ nghèo hơn 50%. Cách thị trấn Mù Cang Chải gần 30km, cách thị xã Nghĩa Lộ hơn 100km. Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Duy Cường tươi cười vỗ vai nói với Bí thư Đoàn xã Thào A Giống: “Thanh niên, trai gái trẻ người Mông sẽ là nhân lực chính cho Làng du lịch cộng đồng. Nậm Khắt thoát nghèo hay không là chính nhờ các bạn. Người Pháp từng tìm lên tận đây khai thác thế mạnh mảnh đất này, giờ sao ta làm chủ nó mà nghèo được”. Cái lạnh choàng xuống không gian núi rừng lúc giữa chiều hè. Những nhà báo đi cùng đoàn chợt hiểu ra vì sao đồng chí Bí thư Tỉnh ủy dẫn họ lên ngọn núi này. Chưa bao giờ Nậm Khắt có nhiệt độ trong năm quá 27 độ, một vùng rừng núi cảnh quan đẹp kỳ lạ có tiết trời chẳng khác nào một Sa Pa thứ hai. Người Pháp từng đặt chân đến Nậm Khắt xây cả sân bay, đồn trú cai trị một vùng rộng lớn.
Cuộc làm việc trang trọng mà giản đơn. Bí thư Đoàn xã, anh Thào A Giống đọc bản báo cáo nhanh về kinh tế – xã hội mà giọng nói còn như chưa tròn tiếng Việt. Bí thư Tỉnh ủy lắng nghe chăm chú, ghi chép lại cẩn và gạch ra những ý chỉ đạo chính. Ông cười vui, hỏi anh Thào đêm qua đi ngủ thì mặc áo may ô quần đùi hay phải đắp chăn bông. Anh Thào đáp lời rằng cả bản quanh năm đắp chăn vì ở đây lạnh bốn mùa… Bản quy hoạch “đặc biệt” được cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện trải ra ngay tại cuộc họp. Đây là khu rừng thông và rừng nguyên sinh cần bảo tồn, chăm sóc kỹ càng. Đây là bản Hua Khắt sẽ được đầu tư dài hơi để sớm trở thành bàn du lịch cộng đồng mà xóa cái nghèo. Kia là vùng diện tích rộng hàng trăm héc ta sẽ dành cho nhà đầu tư nào rót tiền lên núi xây khu nghỉ dưỡng. Rồi quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng toàn diện, mở mới con đường dẫn vào xã cho khách du lịch, xây khu tắm suối nước nóng, làm đường an toàn lên hang động trên núi… Rồi kế hoạch đào tào, tập huấn cho các cô gái bản Mông hiểu hơn về văn hóa, kỹ năng đón tiếp khách, xây dựng mạng lưới chỉ huy vùng du lịch cộng đồng. Trên núi cao nhưng Nậm Khắt có diện tích mặt bằng khá lớn. Những thuận lợi tự nhiên được lãnh đạo Yên Bái phát hiện từ Nậm Khắt và quyết tạo dựng thế trận thoát nghèo cho địa phương mà thí điểm phát triển du lịch là bước đi khá mạnh dạn. Bây giờ con đường hai làn ô tô chạy mới mở thênh thang nối từ Sơn La sang, hệ thống điện lưới đã phủ về từng bản, trường trạm kiên cố đầy đủ, đầu tư của Nhà nước cho Nậm Khắt dường như tốt nhất trong 24 xã của huyện Mù Cang Chải. Du lịch cộng đồng – cơ hội mới
Thảo quả và sơn tra (táo mèo) ở Nậm Khắt bạt ngàn dưới tán rừng thông (loại cây tương sinh, sơn tra mọc với thông thì quả to và ngon hơn) đã nhiều năm làm chủ lực xóa nghèo mà vẫn chưa thể vực dậy cho kinh tế người Mông trên núi. Giờ thì đã có hy vọng mới. Thủ lĩnh Đoàn thanh niên Giàng A Giống vui lắm, tối đó đã chỉ đạo tất cả chi đoàn cơ sở họp lại phổ biến nội dung làm việc với Bí thư Tỉnh ủy. Nậm Khắt đang đứng trước cơ hội mới. Ruộng bậc thang xanh rì lấp loáng trổ đòng dọc con đường mà Thào A Giống dẫn nhà báo đi thăm hang đá Háng La ở bản Pú Cang. Nhũ đá kỳ ảo, sống động. Giống nói là đi cả ngày trong hang mà không biết đâu là cuối, tựa khác nào một Phong Nha ở Tây Bắc. Một bộ bàn ghế bằng đá mà già bản nói là nơi làm việc của cán bộ hoạt động cách mạng ngày xưa. Hẳn là Nậm Khắt sẽ gây tò mò thích thú cho bất cứ ai đến tham quan, khám phá. Ghé thăm nhà ông Thào Nhà Của ở bản Hua Khắt, nơi được chọn thí điểm để xây dựng Làng du lịch cộng đồng, mà thấy người Mông sâu xa ý tứ, thân thiện. Ngôi nhà gỗ rộng chắc chắn, mang nét đặc trưng truyền thống của người Mông. Các con ông đều đã trưởng thành, có người đỗ đại học, nhà nuôi trâu trên núi, trồng thảo quả, sơn tra mỗi năm thu đến 40 triệu đồng. Biết bản sẽ sớm trở thành điểm du lịch ông vui lắm, nói rằng sẽ xây thêm nhà gỗ to đón khách lưu trú về bản. Cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn |
Theo Tiền Phong