Một lần nữa, dải đất nghèo miền Trung lại được vinh danh trên đỉnh Olympia. Vui không? Vui. Tự hào không? Có. Vinh dự không? Vinh dự. Nhưng buồn không? Cũng… buồn.
Tối qua, một câu chuyện trên bàn nhậu khi một anh bạn đập bàn, vỗ ngực tự hào nói rằng “đất miền Trung mình dù nghèo khó nhưng luôn sinh ra những con người rất giỏi”. Chợt có người hỏi “răng bây nhiều người giỏi mà… vẫn nghèo?”. Ừ nhỉ, cũng không sai. Chợt thấy buồn.
Hôm nay, khi em Đức ở Quảng Trị vừa giành vòng nguyệt quế, mình search Google xem một con số thống kê, xem xong lại thấy buồn khi tính đến nay đã có 15 người giành vòng nguyệt quế, những người đang học thì không nói, nhưng những người sau khi được đào tạo bài bản ở nước ngoài xong, chỉ duy nhất 1 người trở về làm việc ở Việt Nam. 15 con người đạt đỉnh vinh quang này có thể được xem là nhân tài được phát hiện sau cuộc thi trí tuệ kéo dài 1 năm tại Việt Nam. Sau đó được đào tạo bài bản và năng lực thực tiễn đã chứng minh đây thực sự là những nhân tài. Và họ đã cống hiến sức lao động để phát triển, nhưng điều đau khổ là cống hiến ở… nước ngoài chứ không phải ở Việt Nam. Tự nhiên thấy băn khoăn, chúng ta tìm kiếm nhân tài để làm gì? Về phương diện cá nhân, đây là niềm tự hào và vinh dự cho bản thân các em và gia đình, các em được sướng, được sống và làm việc trong môi trường tiên tiến, hiện đại, văn minh. Nhưng trên bình diện tổng thể cho đất nước thì… chợt thấy buồn. Với người bình thường như mình thì chả ai trách, nhưng với một nhân tài thì phải trách. Sẽ hay hơn khi những con người xuất sắc này – là sản phẩm được tìm kiếm trong vòng 1 năm, trải qua biết bao nhiêu cuộc thi, huy động biết bao nguồn lực xã hội để tìm ra người xuất sắc nhất – sau khi bước lên đỉnh vinh quang, sẽ cam kết bằng tấm lòng rằng sẽ về Việt Nam làm việc sau khi hoàn thành các nội dung ràng buộc ở nước ngoài. Chưa biết các em sẽ cống hiến được những gì, nhưng các em chắc chắn sẽ là niềm hy vọng và nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của đất nước ta trong tương lai. Chúng ta hay sử dụng từ “chảy máu chất xám”, phải chăng chuyện những nhân tài Olympia này là một ví dụ rất thực tế. Để chiến thắng, để phát triển đột phá và bền vững, để thành công thì không thể thiếu những con người giỏi thực sự, những cá nhân kiệt xuất. Miền Trung với thiên nhiên khắc nghiệt này còn thiệt thòi lắm khi so sánh với hai đầu đất nước. Rồi em sẽ được đào tạo bài bản, được tiếp xúc, được rèn luyện ở một môi trường tiên tiến, văn minh. Nhưng hãy nhớ đến quê hương, nhớ đến những con người lam lũ nhưng chan chứa nghĩa tình, nhớ đến những khó khăn sẽ còn kéo dài ở nơi đây để có ngày trở về, trở về Đức nhé! Nói xong, nghĩ lại câu hỏi “răng bây nhiều người giỏi mà… vẫn nghèo?”, lại thấy rất buồn! |
Theo Lao Động