Ảnh hưởng của Lý Tiểu Long đối với nền võ thuật hiện đại là không thể phủ nhận. Lý tưởng của ông về võ thuật cũng không bắt nguồn từ bạo lực. Mà thay vào đó là đến từ những triết lý uyên thâm và thế giới quan của một tài năng thiên bẩm.
1. Hãy như nước
Một ngày nọ, Lý Tiểu Long bỗng cảm thấy chán nản vì ông không thể nắm bắt được hết những điều cốt lõi trong lời dạy của thầy mình. Trong lúc bực dọc, ông đấm mạnh tay vào nước.
Nhìn những giọt nước bắn lên tung tóe, ông bất chợt nhận ra rằng, nước tách ra thì dễ nhưng nắm lại được thì rất khó, dù thoạt nhìn nước trông có vẻ yếu đuối, nhưng lại chẳng dễ gì phá tan được.
Ông chợt vui mừng nhận ra, thực tế võ sĩ cũng nên giống như nước vậy, bất cứ khi nào phải đối mặt với một lực lượng hung ác nào đó thì điều cần làm là chuyển hướng sức mạnh đó, chứ không phải chống lại nó một cách cứng nhắc.
2.Suy nghĩ tiêu cực
Lý Tiểu Long hiểu rằng khi tâm trí con người bị những suy nghĩ tiêu cực chiếm giữ thì nhận thức của họ cũng theo đó trở nên méo mó.
“Tâm trí giống như một khu vườn màu mỡ, nó sẽ phát triển bất cứ thứ gì bạn muốn trồng lên nó. Vì thế, đừng để những suy nghĩ tiêu cực xâm chiếm tâm trí bạn bởi chúng là những loài cỏ dại lấn át sự tự tin”, ông nói.
Lý Tiểu Long cũng là người tin tưởng mạnh mẽ vào việc chịu trách nhiệm cho hành động của người khác, ông cũng là hiện thân của sự tự tin.
3. Học hỏi từ những người vĩ đại
Người ta nói rằng cách tốt nhất để tích lũy kiến thức là nghiên cứu lời dạy của vĩ nhân. Lý Tiểu Long là người hiểu rõ điều này nhất. Trong thư viện cá nhân của ông có chứa hơn 2.500 cuốn sách, trong đó có cả sách viết về võ thuật, triết học, quyền anh, đấu vật, làm phim, vân vân….
Sau đó, ông đã tự mình viết ra một số sách mà ông hy vọng sau này có thể truyền cảm hứng cho các học trò của mình. Đồng thời, ông cũng sáng tạo nên một phong cách chiến đấu mới của riêng mình chính là Triệt Quyền Đạo.
4. Chiếc tách rỗng
Khi bạn cố hiểu một điều gì đó bằng các khái niệm định sẵn thì sẽ không bao giờ thực sự tích lũy được kiến thức. Và một trong những bí kíp của Lý Tiểu Long chính là: “Một chiếc cốc phải đổ nước cũ đi mới chứa được nước mới, khiến mình không có gì nhưng chứa đựng được tất cả”.
Ông vẫn thường kể lại câu chuyện về cuộc gặp gỡ giữa một học giả phương Tây và thiền sư cho các học trò của mình.
Câu chuyện kể rằng, có một vị thiền sư trong khi đang rót trà, đàm đạo cùng một học giả phương Tây. Khi đó, vị học giả phương Tây này suốt cả buổi không ngừng nói về những kiến thức sâu rộng của mình về Thiền tông. Rõ ràng người này chỉ muốn thể hiện kiến thức hơn là thật sự học hỏi một điều gì đó từ tiền bối.
Vị thiền sư vẫn không nói gì, ông vừa lắng nghe, vừa tiếp tục rót trà, rót mãi cho đến khi trà bắt đầu tràn ra khỏi ly.
Lúc này, vị học giả mới bắt đầu để ý, cảm thấy ngạc nhiên trước hành động của vị thiền sư, học giả bèn hỏi tại sao ông lại tiếp tục rót trong khi cốc đã đầy trà.
Vị thiền sư bèn trả lời, vị học giả cũng giống như chiếc cốc trà này, trước khi anh ta sẵn sàng buông bỏ chấp kiến của mình, lão sư sẽ không thể dạy anh ta bất cứ điều gì.
5. Vai trò của mục tiêu
Lý Tiểu Long còn là người có sự hiểu biết sâu sắc về việc con người cần phải thiết lập mục tiêu cho cuộc đời mình.
Ông cũng nhận ra rằng, mặc dù không phải lúc nào chúng ta cũng có thể đạt được tất cả những điều mình đề ra, nhưng việc có một mục đích trong cuộc sống sẽ thúc đẩy chúng ta tiếp tục cố gắng.
Thiên Hoa (Theo Vision Times)