Ly rượu mừng – bài hát bị cấm 40 năm, đã lọt vào danh sách những bài hát hay nhất của chương trình để được biểu diễn trong Gala Giai điệu tự hào.
Ly rượu mừng, bản nhạc xuân quen thuộc của miền Nam trước đây, sẽ xuất hiện trong Gala Giai điệu tự hào vào 20 giờ 10 phút tối 28.1, tức Mùng 1 tết Nguyên đán trên VTV1. Đây là chương trình của những bài hát hay nhất trong Giai điệu tự hào trong suốt năm 2016. Ngay khi được cấp phép biểu diễn trở lại sau 40 năm, Ly rượu mừng đã lọt vào danh sách những bài hát hay nhất này.
Danh sách dựa trên số phiếu bầu của cả Hội đồng bình chọn và khán giả.
Bài hát có số phận đặc biệt này luôn gợi nhớ đến hợp ca Thăng Long nổi tiếng ngày nào. Nhóm nhạc với các hát bè đã mang tới cho tân nhạc khi đó cách phối âm trẻ trung chưa từng có. Nó cũng gợi tới tác giả Phạm Đình Chương, tác giả vốn chỉ thường được biết tới với Nửa hồn thương đau. Giờ đây, hình dung về Phạm Đình Chương trong lòng công chúng đã hoàn chỉnh hơn. Trong đêm Gala Giai điệu tự hào, Ly rượu mừng được hai nữ ca sĩ Bảo Trâm và Ngọc Khuê và nhóm Dòng thời gian thể hiện như một lời chúc xuân ấm áp, an vui.
Một số bài hát khác trong Gala là: Áo lụa Hà Đông, Mơ hoa, Bài ca hy vọng, Bám biển quê hương, Bước chân trên dải Trường Sơn, Gửi lại em, Gửi người em gái, Hà Tây quê lụa, Nơi đảo xa, Ơi cuộc sống mến thương…
Ekip sản xuất Giai điệu tự hào cho biết, trong suốt những số đã phát trong năm 2016, họ luôn đặt mục tiêu tác động trực diện vào cảm xúc khán giả trong những câu chuyện âm nhạc cụ thể. Do đó, họ không chỉ lựa chọn các ca khúc hay nhất liên quan đến chủ đề chính của chương trình, mà còn đưa cả những chia sẻ cá nhân vào đó. Đó là lúc nhạc sĩ Phú Quang kể chuyện mình từng tự ái không đi nhận giải thưởng cho Em ơi Hà Nội phố thế nào, tác phẩm từng bị phê bình ra sao. Đó cũng là lúc Trần Tiến kể về hoàn cảnh ra đời bài hát của mình, những không gian mà ông từng gắn bó để bài ca ra đời. Cảm xúc của khán giả cũng được nhân lên thêm từ đó.
Nhà báo Đặng Diễm Quỳnh, cũng là người dẫn chương trình, cho biết: “Chương trình sẽ bắt đầu bằng các phóng sự để giúp người xem đạt 5,6 điểm cảm xúc, rồi lên 7,8 khi thưởng thức ca khúc. Phần nhận xét Hội đồng bình luận và chia sẻ bên lề sẽ đưa cảm xúc khán giả lên mức cao nhất. Các câu chuyện thú vị về số phận bài hát, của riêng lâu nay giờ được kể với công chúng yêu âm nhạc là điểm làm nên sự độc đáo của Giai điệu tự hào 2016”.
Theo thanhnien.vn