Khi lập bản đồ gen mới của loài bạch tuộc, các nhà khoa học đã phát hiện những đặc điểm vô cùng kỳ lạ khiến họ nghĩ rằng có thể bạch thuộc thực chất là một sinh vật ngoài hành tinh chứ không phải một loài động vật có nguồn gốc trên Trái đất.
Bộ gen của các loài động vật thân mềm trên thực tế còn phức tạp hơn cả con người. Tổng cộng các protein mã hóa di truyền của loài bạch tuộc có thể lên đến con số 33.000, trong khi con người chỉ có 18-22.000 gen.
Tiến sĩ Clifton Ragsdale đến từ đại học Chicago là một trong số các nhà khoa học của dự án này cho biết: “Bạch tuộc là một loài động vật kỳ lạ, thậm chí nó không giống với bất kỳ loại động vật thân mềm cùng họ hàng nào cả. Chúng có 8 cánh tay với sức mạnh rất lớn, bộ não thông minh và khả năng xử lý các tình huống một cách tài tình”.
Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Nature, trong đó các nhà khoa học đã giải mã bộ gen của loài bạch tuộc California.
Các nhà khoa học phát hiện ra những đặc điểm di truyền độc đáo mà rất có thể quyết định đến sự phát triển của kỹ năng ngụy trang và hệ thần kinh phức tạp của bạch tuộc. Phân tích cho thấy, trong bộ mã di truyền của bạch tuộc có hàng trăm gen mà không thể tìm thấy ở các loài động vật khác.
Một đặc điểm kỳ lạ nữa mà các nhà khoa học phát hiện, đó là sự tổ chức và sắp xếp các đoạn mã gen của bạch tuộc. Trong khi ở các loài động vật khác, các đoạn mã thường lặp đi lặp lại và tạo thành một chuỗi có quy tắc rõ ràng, thì đối với loài bạch tuộc, các đoạn mã lại được sắp xếp không tuân theo quy tắc nào.
Như các nhà khoa học nhận xét, nó giống như bộ gen của bạch tuộc được cho vào máy xay sinh tố sau đó mới được trải ra thành các chuỗi gen.
Chính những yếu tố mà không một loài động vật nào có ở bạch tuộc đã khiến các nhà khoa học nghĩ rằng đây không phải loài động vật có nguồn gốc trên Trái đất. Nó có thể là bộ gen sơ khai của người ngoài hành tinh. Tuy nhiên đây cũng mới chỉ là giả thuyết và cần có thêm thời gian để nghiên cứu và chứng minh giả thuyết này là thật.
Theo GenK