Bác sĩ trung y Triệu Trung Nguyên ở Bắc Kinh, bởi vì lên tiếng ủng hộ những người yếu thế ở trên Weibo nên đã kết giao được với rất nhiều luật sư nhân quyền. Cũng bởi vì ông đã giúp rất nhiều luật sư bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tra tấn tàn bạo chữa trị vết thương mà trở thành cái gai trong mắt chính quyền.
Trước năm 2009, Triệu Trung Nguyên thường không chú ý đến các vấn đề thời sự. Mãi cho đến khi Weibo trở nên thịnh hành, ông mới phát hiện ra rằng xã hội Trung Quốc không giống với những tuyên truyền của ĐCSTQ. Thông qua Weibo, rất nhiều người có lương tâm đã lên tiếng cho những quần thể dân chúng bị áp bức.
Triệu Trung Nguyên cũng bắt đầu bày tỏ ý kiến của mình về các vấn đề nóng của xã hội trên Weibo, đồng thời kết giao với một số người bạn.
Triệu Trung Nguyên kể lại: “Những người dân thấp cổ bé họng lúc bấy giờ như Đường Trí Thuận, Đường Cát Điền, ‘đồ tể siêu thấp kém’ Ngô Kiềm, v.v, tôi đều biết đến vào năm 2009, cho đến nay đã hơn mười năm.
Sau đó, chính vì những người bạn tôi đã gặp trên mạng trong một thời gian dài, muốn được gặp gỡ nhau ở bên ngoài, cho nên tôi đã chuyển từ nói chuyện trên mạng sang gặp trực tiếp. Vì chỗ tôi làm là một nơi công cộng, cho nên họ đến chỗ tôi uống trà, trò chuyện, có lúc thì đến chăm sóc sức khỏe”.
Triệu Trung Nguyên lần đầu tiên được chính quyền ĐCSTQ mời đi “uống trà” là vì vụ án của Tiền Vân Hội xảy ra vào tháng 12/2010.
Tiền Vân Hội là một nông dân ở làng Trại Kiều, thành phố Nhạc Thanh, tỉnh Chiết Giang, vì nhiều lần khiếu nại việc chính quyền địa phương cướp đất của dân mà sau đó ông đã bị một chiếc xe lu cán vào cổ, khiến cho đầu lìa khỏi thân và chết một cách thê thảm.
Triệu Trung Nguyên chia sẻ: “Lúc đó tôi cảm thấy rất căm phẫn. Tôi nói tôi nhất định phải đi, phải đích thân đến nơi mà Tiền Vân Hội bị cán chết, để dâng lên cho ông ấy một bó hoa. Vì vậy tôi đã đi đến thành phố Nhạc Thanh để dâng hoa cho Tiền Vân Hội, kết quả đã trở thành người đầu tiên ở trên mạng đi đến Nhạc Thanh”.
Vì vụ án của Tiền Vân Hội mà nhiều blogger trên Weibo đã kết bạn với Triệu Trung Nguyên và ông cũng có thêm rất nhiều người hâm mộ. Có điều sau khi trở về từ Nhạc Thanh, Weibo của ông bị chính quyền chặn, và lần đầu tiên ông được trải nghiệm “uống trà”.
Triệu Trung Nguyên chia sẻ thêm: “Lần đó tôi mới biết uống trà là gì. Thật ra, uống trà chính là thẩm vấn. Hoàn toàn Không có trà gì để uống mà chỉ có cảnh sát, và sau đó anh ta tra hỏi: ‘Là ai bảo ông đi? Ai chi trả lộ phí cho ông? Có phải là ông tự trả? Là ông tự muốn đi, hay ai bảo ông đi?’. Chính là nói những điều này”.
Vào năm 2011, chính quyền Bắc Kinh đóng cửa gần 30 trường học cho con em của công nhân nhập cư, dẫn đến hàng chục ngàn trẻ em phải đối mặt với những khó khăn trong học tập, cũng đồng nghĩa với việc lấy đi cơ hội duy nhất được giáo dục của các em nhỏ.
Triệu Trung Nguyên nói rằng: “Khi đó tôi cũng cảm thấy rất căm phẫn, do đó ở trên Weibo tôi đã kêu gọi các nhà giáo dục, nhân viên pháp lý và các phụ huynh học sinh đi đến Ủy ban Giáo dục quốc gia để tố cáo Ủy ban Giáo dục Bắc Kinh. Đến ngày thứ hai sau khi kêu gọi, tôi dò xét một vòng thì thấy tài khoản Weibo của một số người khác cũng bị khóa rồi. Vào ngày thứ ba, bên cạnh phòng khám của tôi, bất ngờ có 4, 5 chiếc xe cảnh sát tới bao vây”.
Lúc đó, Triệu Trung Nguyên và một bệnh nhân hẹn nhau ở huyện Thông để ăn cơm. Tuy nhiên, trong lúc họ đang kẹt xe ở cầu Bát Lý thì bất ngờ nhận được một cuộc gọi thông báo mời đến đồn cảnh sát vào 8 giờ tối.
Có một sĩ quan cảnh sát là bệnh nhân của Triệu Trung Nguyên, anh ta tiết lộ rằng, đồn cảnh sát đang thay mặt cho cơ quan An ninh Quốc gia điều tra. Sau nhiều giờ bị tra hỏi, viên cảnh sát này nhắc nhở Triệu Trung Nguyên hạn chế lên Weibo thảo luận, nếu không chỉ cần tội danh gây kích động cũng đủ để ông ngồi tù vài năm.
Triệu Trung Nguyên cũng đã chữa trị cho một số bạn bè luật sư trong “Vụ án 709” (sự kiện Bộ Công an Trung Quốc bắt bớ và triệu tập các luật sư nhân quyền trên phạm vi toàn Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 9/7/2015) là Giang Thiên Dũng, Đường Cát Điền, Lý Hòa Bình, v.v. điều này càng làm cho ĐCSTQ thêm gai mắt, giấy phép kinh doanh phòng khám của ông đã không được thông qua trong các đợt kiểm tra hàng năm.
Vào ngày 17/7/2019, Triệu Trung Nguyên đã bị hai cảnh sát mặc thường phục bắt đi “uống trà” lần thứ ba.
Triệu Trung Nguyên kể: “Vào ngày 12/7/2019, Giang Thiên Dũng có khả năng là đã tiếp nhận một cuộc phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do (RFA), nếu không thì là một kênh truyền thông khác, nói rằng muốn đến Bắc Kinh để tìm bác sĩ Triệu Trung Nguyên, để bác sĩ Triệu xem xét bệnh tình của mình, và sau khi kiểm tra toàn diện, sẽ tự mình quyết định điều trị như thế nào. Khi đó, cảnh sát Hà Nam nói với ông ấy rằng, ông không cần đến Bắc Kinh nữa, chúng tôi sẽ mời bác sĩ Triệu tới gặp ông. Động thái này có nghĩa là họ sẽ đến Bắc Kinh để mời tôi”.
Sau đó, cảnh sát đã thẩm vấn mối quan hệ của Triệu Trung Nguyên và Giang Thiên Dũng, bao gồm cả các chi tiết điều trị cụ thể, và đe dọa rằng ông có thể bị kết án 20 năm tù vì các hoạt động phi pháp và hành nghề y tế bất hợp pháp.
Trong căn phòng nhỏ tối tăm của đồn cảnh sát, Triệu Trung Nguyên cảm khái sâu sắc và nảy ra ý định đi ra nước ngoài. Cuối cùng, dù đã hơn 50 tuổi, ông vẫn buộc phải đưa vợ vượt đại dương đến Canada để bắt đầu một cuộc sống mới.
Bởi vì Triệu Trung Nguyên ở nước ngoài vẫn viết bài để vạch trần cuộc đàn áp các đoàn thể tín ngưỡng và các luật sư của ĐCSTQ, cho nên chị gái và người mẹ già 94 tuổi của ông vẫn bị cảnh sát trong nước quấy nhiễu.
Minh Huy (Theo NTDTV)