Nói về lý do xin nghỉ việc Bệnh viện Bạch Mai, một bác sĩ cho rằng, nguyên do không phải vì vấn đề áp lực, kinh tế mà do bản thân ông cảm thấy không phù hợp với cơ chế quản lý mới nên đã xin nghỉ.
Liên quan đến vụ việc 221 bác sĩ, nhân viên Bệnh viện Bạch Mai xin nghỉ việc, chuyển công tác trong thời gian qua, những người trong ngành và người dân đều nhận định đây là chuyện hy hữu chưa từng có trong lịch sử Bệnh viện này nói riêng và trong ngành y tế nói chung.
Phóng Viên báo Doanh nghiệp và Tiếp thị đã đi tìm hiểu sâu hơn, theo đó vào ngày 4/2, Bệnh viện Bạch Mai ra quyết định kỷ luật 6 cán bộ, trong đó có 2 cán bộ lãnh đạo cấp khoa, phòng do vi phạm quy định, thực hiện khám, chữa bệnh ngoài phạm vi bệnh viện trong giờ hành chính. Tuy nhiên, đáng nói là ngoài phạt những người trực tiếp vi phạm kỷ luật, bệnh viện còn ra mức phạt rất nặng là cắt toàn bộ danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cả năm đối với toàn đơn vị mà người đó làm việc.
Đây được coi là một trong những nguyên nhân gây bức xúc của công nhân viên tại bệnh viện đối với công tác quản lý mới.
Trưa ngày 14/4, một bác sĩ thuộc diện nhân lực chất lượng cao, công tác lâu năm tại Bệnh viện Bạch Mai đã xin nghỉ việc trong thời gian qua cho biết, ông hiện vẫn chưa đến tuổi hưu nhưng vẫn xin nghỉ. Vị bác sĩ này cho rằng, nguyên do không phải vì vấn đề áp lực, kinh tế mà do bản thân ông cảm thấy không phù hợp với cơ chế quản lý mới.
Đây không phải là bức xúc ngày một ngày hai, Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện hạng đặc biệt, là đơn vị chủ lực trong hoạt động khám chữa bệnh của ngành Y, các y bác sĩ khi được làm việc tại đây đều thấy vinh dự và muốn được cống hiến. Việc phải nghỉ hay chuyển công tác khiến ông cùng nhiều đồng nghiệp cảm thấy buồn, trăn trở.
“Với tuổi của tôi làm để cống hiến cho nghề, cho khoa học, nhưng tôi thấy ở đó bị hạn chế và cách quản lý mới không phù hợp như muốn đi đâu, làm gì phải lên kế hoạch, xin phép trước, đồng ý thì mới được đi… và còn nhiều vấn đề khác nên tôi không làm được, xin nghỉ”, vị này chia sẻ.
Theo quan điểm của vị này, tên tuổi của Bệnh viện Bạch Mai trong hơn 100 năm qua được xây dựng nhờ vào việc cứu chữa, phục vụ cho đông đảo người dân, nhất là người nghèo. Còn giờ đây bệnh viện lại chuyển đi theo hướng chăm sóc chất lượng cao, tăng giá để phục vụ một số người, điều này chắc chắn sẽ gây nên những luồng ý kiến trái chiều, chưa thể đồng tình.
Một bác sĩ khác đã chuyển công tác từ trước Tết Nguyên đán cũng cho biết, nguyên nhân chính khiến vị này nghỉ việc là do cơ chế của bệnh viện thay đổi sau khi có lãnh đạo mới.
Với cơ chế mới, các cán bộ nhân viên y tế phải làm việc nhiều hơn trước, và phải học thêm các kỹ năng, khiến áp lực công việc nặng nề hơn, cộng thêm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên tổng thu nhập của nhân viên lại giảm hơn trước.
“Bệnh viện Bạch Mai như ngôi nhà thứ 2 của chúng tôi vậy nên khi phải rời bỏ, chúng tôi cũng rất buồn. Tuy nhiên mỗi người đều có một lý do riêng và không gắn bó được nữa thì chúng tôi phải rời đi, để tìm cho mình một môi trường mới, tốt hơn”, vị bác sĩ này nói.
Trả lời với phóng viên, TS.BS Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đúng là có 221 bác sĩ, nhân viên bệnh viện nghỉ việc thời gian qua, tuy nhiên trong đó có hơn 113 người là lao động phổ thông làm việc tại các đơn vị dịch vụ, nhà thuốc, tang lễ…. do bệnh viện chủ động kiện toàn, tinh gọn.
28 bác sĩ, trong đó có 1 Phó Giáo sư, 7 Tiến sĩ y học, 2 Tiến sĩ ngành dược học nghỉ việc để chuyển sang nơi có thu nhập cao hơn.
Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh, công tác cán bộ tại bệnh viện không có gì bất thường, không ảnh hưởng đến hoạt động của bệnh viện.
Ông Thành nói, có nhiều nguyên do dẫn đến chuyện 221 người lao động rời bệnh viện thời gian qua, trong đó có liên quan đến các việc như: Bệnh viện sắp xếp lại, xóa bỏ đơn vị dịch vụ, nhà tang lễ, giảm số nhà thuốc từ 10 xuống còn 5. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến doanh thu y, bác sĩ, nhân viên bệnh viện giảm ít nhất 30%. Cựu lãnh đạo của bệnh viện bị bắt để điều tra…
Nói về tin đồn người lao động xin nghỉ việc vì bệnh viện nợ và chậm lương, ông Thành khẳng định đây là thông tin không chính xác, không có chuyện này.
Ngược lại, bệnh viện đều hỗ trợ 2 tháng thu nhập cho cán bộ nhân viên trước nghỉ chế độ, giải quyết toàn bộ chế độ chính sách trước nghỉ đối với các trường hợp chấm dứt hợp đồng do tinh gọn bộ máy.
Về việc nhân viên, bác sĩ bức xúc về quyết định kỷ luật tập thể, TS Thành cho rằng, quan điểm của bệnh viện là “phòng hơn chữa”, để có thể tạo ra hiệu quả trong việc phòng ngừa. Ông Thành nhấn mạnh, từ khi có biện pháp xử phạt này, tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân của công nhân viên đã thay đổi hẳn.
Theo nhận định của Tuổi Trẻ, việc 221 bác sĩ nhân viên y tế rời bệnh viện, nhưng lại có 506 người về, bề ngoài, việc đi – ở đều là bình thường, nhưng đây là điều chưa từng xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai.
Các bệnh viện đều đã phải thay đổi để cạnh tranh, Bạch Mai cũng thay đổi, nhưng giữ thương hiệu bệnh viện làm sao sau những sóng gió vừa qua để y bác sĩ khám chữa bệnh tốt nhất sẽ là một câu hỏi lớn cho bệnh viện có lịch sử gần 110 năm và có thương hiệu mạnh hàng đầu cả nước này?
Yên Yên (t/h)