Dù đã 78 tuổi nhưng bác sĩ Nguyễn Văn Trang, ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An vẫn rất mong có thể được tham gia vào công tác phòng chống dịch ở tâm dịch Bắc Giang. Đem sức lực, kiến thức mình có phục vụ phần nào công tác chống dịch của nước nhà.
Chiều tối ngày 30/5, trao đổi với phóng viên báo Người Lao Động, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, Nghệ An, ông Trình Văn Nhã cho biết, UBND huyện đã nhận được đơn xin tới tỉnh Bắc Giang tham gia chống dịch Covid-19 của bác sĩ Nguyễn Văn Trang (SN 1943).
Theo ông Nhã, bác sĩ Nguyễn Văn Trang hiện đang sinh sống tại khối 3A, thị trấn Thanh Chương, Nghệ An.
Sau khi về hưu bác sĩ Trang vẫn thường xuyên tham gia các hoạt động khám chữa bệnh miễn phí cho người dân trên địa bàn. Bác sĩ Trang là người được người dân vô cùng yêu quý, tin tưởng.
Ở cái tuổi 78, bác sĩ vẫn rất nhanh nhẹn, hoạt bát, minh mẫn và luôn nở nụ cười trên môi.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở vùng đất Thanh Chương (Nghệ An), từ nhỏ, ông Trang đã có ước mơ trở thành một bác sĩ chữa bệnh cứu người.
Có động lực và ước mơ rõ ràng, từ thời đi học, ông đã luôn chăm chỉ, cố gắng, sau khi tốt nghiệp phổ thông, bác sĩ Trang thi đậu Đại học Y Hà Nội.
Năm 1973, bác sĩ trẻ Nguyễn Văn Trang tốt nghiệp và trở về mang sức trẻ cống hiến cho quê hương.
Hơn 30 năm gắn bó với nghề, bác sĩ Trang đã đi qua khắp các huyện Kỳ Sơn, Anh Sơn, Thanh Chương (Nghệ An) và có nhiều cống hiến trong việc xây dựng bệnh viện tuyến huyện. Ông còn từng nhiều năm đảm nhiệm chức vụ Trưởng khoa nội nhi, Bệnh viện huyện Thanh Chương.
Sau khi nghỉ hưu, bác sĩ Trang vẫn tiếp tục tham gia các hoạt động công tác xã hội làm công từ thiện như khám chữa bệnh miễn phí cho người dân, tổ chức nấu cháo tình thương giúp đỡ những bệnh nhân nghèo khó… Ông luôn được đồng nghiệp quý mến, người dân tin yêu, và là tấm gương cho các thế hệ.
Chia sẻ về việc làm đơn tình nguyện gia nhập vào đội quân chống dịch Coivd-19 ở tâm dịch Bắc Giang, bác sĩ Nguyễn Văn Trang cho biết, bản thân ông là bác sĩ đã nghỉ hưu, mỗi ngày ông vẫn thường xuyên theo sát tình hình, diễn biến của dịch.
Khi làn sóng dịch Coivd-19 lần thứ 4 xuất hiện tâm điểm tại Bắc Ninh, Bắc Giang, những hình ảnh về đội ngũ y tế nơi tuyến đầu không quản ngại gian khổ, ngày đêm điều tra, truy vết, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, khám chữa cho người bệnh,… quyết khống chế, không để dịch lan rộng, đã làm bác sĩ vô cùng xúc động. Tấm lòng “từ mẫu” của một người hành y trong ông cũng ngày càng dâng cao.
Hiện, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở nước ta cũng như ở tỉnh Bắc Giang đang diễn biến vô cùng phức tạp.
Nhận thấy sức khỏe mình vẫn còn đảm bảo, tinh thần minh mẫn, sáng suốt, cộng thêm kinh nghiệm nhiều năm làm Trưởng khoa tổng hợp nội, Trưởng khoa nhi, nhi lây Đông y, ông rất mong bản thân có thể được tham gia vào công tác phòng chống dịch. Đem sức lực, kiến thức mình có phục vụ phần nào công tác chống dịch cho người dân ở vùng tâm dịch.
Bác sĩ Trang sau đó đã viết đơn gửi tới Huyện ủy, UBND huyện, Trung tâm y tế huyện Thanh Chương với mong muốn được đi ra vùng tâm dịch. Nếu được chuẩn y, ông cảm thấy vô cùng vinh dự bởi tâm nguyện của ông là làm thầy thuốc phải hết lòng phụng sự nhân dân.
“Đặt tay lên trái tim mình, nghe trái tim mách bảo hãy sống bằng trách nhiệm, tình thương, đừng bao giờ vô cảm trước mọi sự bất hạnh. Hãy tới đó (nơi tâm dịch) làm điều tử tế”, bác sĩ Trang chia sẻ trong lá thư tình nguyện tham gia phòng chống Covid-19.
Theo bác sĩ Phạm Ngọc Luân, giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Chương, lâu nay, ông rất kính trọng bác sĩ Trang, tuy nhiên vì năm nay bác sĩ đã 78, sức khỏe có hạn nên không thể để bác sĩ đi tới Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội… như nguyện vọng được.
Còn để tiếp tục cống hiến cho tuyến đầu thì sau này bác sĩ Trang có thể giúp huyện Thanh Chương trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Mặc dù tuổi đã cao nhưng với lương tâm và trách nhiệm của một người bác sĩ, bác sĩ Trang đã khiến mọi người nể phục.
Trong đơn bác sĩ Trang viết: “Tôi muốn gia nhập đoàn quân áo trắng (đồng nghiệp của tôi) bằng tâm huyết cao mong về già vẫn còn có thể tiếp tục làm thêm được việc có ích cho xã hội.”
Trong cuộc sống, ông cũng luôn tâm niệm rằng:
“Khi ta sống ta làm thầy thuốc
Bất luận là gì phải giữ được cái tâm
Muốn khi chết hóa thành cây cổ thụ
Để cho đời thêm một bóng râm”.
Yên Yên (t/h)