Sau 2 tháng biểu tình liên tiếp trên khắp các đường phố Hong Kong, Trung Quốc đã tập hợp cảnh sát và quân đội tại Thâm Quyến giáp ranh Hương Cảng ám chỉ người Hong Kong rằng: Hoặc là từ bỏ biểu tình hoặc chuẩn bị cho một cuộc tắm máu.
Mối lo ngại về một cuộc đàn áp mới
Gần đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã có nhiều động thái ám chỉ họ sẵn sàng sử dụng vũ lực để dập tắt các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong Trong đó nổi bật là việc đưa quân đội đến sát biên giới Hong Kong, cho phát hành video diễn tập “chống bạo động” qua đó gửi thông điệp cảnh cáo đến phong trào biểu tình ở đặc khu.
Điều này đã làm dấy lên những mối lo ngại trong cộng đồng quốc tế. Mọi người lo lắng Hồng Kông có thể trở thành một Quảng trường Thiên An Môn thứ hai, nơi mà cách đây 30 năm chính quyền của ĐCSTQ đã dùng xe tăng và quân đội để thảm sát các sinh viên biểu tình vì dân chủ, gây ra cái chết của ít nhất 10.000 người, theo một tài liệu mật của chính phủ Anh Quốc được công bố năm 2017.
Hôm 14/8, ông Li Yiping, người từng tham gia vào phong trào ủng hộ dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn 30 năm trước còn đăng video tiết lộ rằng, theo thông tin ông có được từ một thành viên của chính quyền Trung Quốc, ĐCSTQ đã lên ba phương án “rất độc ác” để dập tắt các cuộc biểu tình dai dẳng tại Hong Kong:
Thứ nhất, mật vụ cộng sản sẽ tham gia vào cuộc biểu tình và tìm cơ hội để giết một số cảnh sát Hong Kong Bằng cách làm như vậy, ĐCSTQ có thể biện minh cho việc họ sử dụng các biện pháp cực đoan để đàn áp biểu tình, và cộng đồng quốc tế không thể đổ lỗi cho họ khi làm thế.
Thứ hai, hàng nghìn cảnh sát chống bạo động từ Trung Quốc Đại Lục đã được triển khai tới Hồng Kông để làm nhiệm vụ đè bẹp “những người biểu tình trẻ tuổi ngoan cường”. Đó là những người biểu tình vẫn tiếp tục tập hợp ở ngoài các tòa nhà chính quyền Hồng Kông hoặc Văn phòng Liên lạc Trung Quốc thời gian lâu sau khi cuộc tuần hành hoặc tập trung đã kết thúc.
Thứ ba, hàng chục nghìn cảnh sát vũ trang Trung Quốc đã được triển khai tới Thâm Quyến. Ngay khi bất kỳ cảnh sát Hồng Kông nào bị giết trong cuộc biểu tình, Trưởng Đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga sẽ thông báo rằng “bạo động” đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát và kêu gọi Bắc Kinh điều động lực lượng bổ sung. Vào thời điểm đó, cảnh sát vũ trang Trung Quốc sẽ có thể công khai tiến vào Hong Kong
Ông Li cũng thúc giục cảnh sát và người dân Hồng Kông phải cực kỳ cảnh giác để tránh rơi vào bẫy của Bắc Kinh.
Bản chất bất di bất dịch của một chính quyền độc tài
Một phần tư thế kỷ trước, các nước phương Tây cho rằng việc chào đón Trung Quốc tham gia nền kinh tế thế giới sẽ khiến chính quyền nước này cho phép người dân tự do hơn trước kia, nhưng họ đã nhầm.
Giờ đây, nhiều người đã không còn chút hy vọng nào với “chủ nghĩa cộng sản” Trung Quốc. Không những không có dấu hiệu muốn cạnh tranh công bằng về kinh tế, mà ĐCSTQ còn không cho phép bất kỳ mối thách thức nào đe dọa sự thống trị của họ. Hơn nữa còn không ngừng gia tăng đàn áp các tín ngưỡng tôn giáo và tộc người thiểu số nhằm kiểm soát chặt chẽ ý thức hệ của người dân.
Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, những năm gần đây, nhiều nhà thờ Kitô giáo ở Trung Quốc đã bị đập phá, nhiều tín đồ Kitô giáo bị bắt bỏ tù. Thậm chí Bắc Kinh còn buộc Vatican phải trao quyền bổ nhiệm giám mục Công giáo ở Trung Quốc cho chính quyền nước này. Những người chỉ trích gọi thỏa thuận này là một sự bán đứng cho chính quyền Trung Quốc vô thần.
Ngoài ra, khoảng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ đang bị giam giữ tại các trại cải tạo ở Tân Cương trong sự giám sát nghiêm ngặt bằng công nghệ cao. Mười hai triệu người Hồi giáo khác phải chịu sự đàn áp và lạm dụng một cách có hệ thống. Hàng triệu học viên Pháp Luân Công, một môn tu luyện theo trường phái Phật gia đã bị cưỡng bức trở thành nguồn cung cấp nội tạng sống cho ngành công nghiệp ghép tạng siêu lợi nhuận của nước này.
Và việc Bắc Kinh hứa hẹn sẽ cho Hong Kong quyền dân chủ cao hơn đã trở thành một trò đùa. Trung Quốc thậm chí đã bắt đầu thu thập dữ liệu sinh trắc học (DNA, dấu vân tay, mẫu giọng nói, v.v.) của cư dân Hong Kong. Đây là một bằng chứng rõ ràng cho thấy chính quyền Trung Quốc ngày càng gia tăng sự kiểm soát lên đặc khu tự trị này.
Về phía Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo cho biết “phong trào biểu tình [ở Hong Kong] là hoàn toàn hợp pháp” và “chúng tôi hy vọng Trung Quốc sẽ làm những điều đúng đắn”.
Tuy nhiên Tổng thống Trump đã vấp phải không ít chỉ trích từ các nghị sĩ Mỹ vì đã không đưa ra một đường lối công khai mạnh mẽ hơn trong vấn đề Hong Kong. Sau những quan ngại từ Washington rằng Trump cần có quan điểm cứng rắn hơn, gần đây tổng thống Mỹ đã lấy vấn đề Hong Kong làm điều kiện thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
“Tất nhiên, Trung Quốc muốn đạt được thỏa thuận. Nhưng hãy xử lý nhân đạo với Hong Kong trước đã!”, ông Trump viết trên Twitter về cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra giữa hai nước. Đó là tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ nhất mà Trump gửi tới người biểu tình đòi dân chủ, theo Politico.
Một số chuyên gia nhận định rằng, về lâu dài, nước Mỹ cũng như các nước phương Tây sẽ không thể giành chiến thắng bằng cách xử lý thương mại và nhân quyền như hai hồ sơ riêng biệt khi giao dịch với một quốc gia do chính phủ độc tài chuyên chế điều hành.
Thùy Linh (t/h)