Hội nghị xúc tiến kết nối tiêu thụ quả vải tại Bắc Giang sẽ diễn ra vào tháng 6 tới. Mùa vụ năm nay, Bắc Giang sẽ có khoảng 80 ha vải đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Đây là lần đầu tiên mặt hàng này được tiêu thụ ở thị trường Nhật Bản.
Bộ Công Thương và tỉnh Bắc Giang sẽ phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ vải thiều vào ngày 6/6 tới để xúc tiến thương mại quy mô quốc tế, tạo cơ hội giới thiệu, quảng bá vựa vải thiều Bắc Giang, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu lẫn các kênh tiêu thụ với địa phương.
Cụ thể, điểm cầu chính đặt tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang, kết nối trực tuyến 2 điểm cầu tại tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc), cùng 61 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Đặc biệt, hội nghị còn có sự tham gia của Tham tán kinh tế thương mại – Đại sứ quán Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan tại Việt Nam cùng đại diện một số tập đoàn, doanh nghiệp phân phối, các chợ đầu mối.
Một mùa vụ khó khăn
Năm nay, vải thiều lại chín đỏ trên đất Kinh Bắc xưa, người nông dân lại trông chờ những chuyến hàng sắp đi sẽ mang về lợi nhuận. Nhưng đại dịch đã buộc các quốc gia phải đóng cửa biên giới, cấm các chuyến bay, đường vận chuyển,… và vì thế những thương lái gặp khó khăn khi nhập cảnh vào Việt Nam.
Ngặt nghèo nữa là vải sớm của Việt Nam (hay còn gọi là vải chua) chín đúng thời điểm vải Trung Quốc cũng chín tới. Đồng thời, các vùng trồng vải của Trung Quốc cũng thúc đẩy xúc tiến thương mại cho quả vải từ rất sớm, đặc biệt là qua các chợ điện tử.
Ngoài ra, vải thiều Lục Ngạn năm nay không cho sản lượng nhiều như các năm trước.
“Chiều lòng” các thị trường khó tính
Vì nguyên nhân đầu ra thiếu, nên kịch bản “được mùa mất giá, mất mùa được giá” tiếp diễn bao lâu nay. Do đó, việc cải tiến chất lượng vải và tìm được đầu ra phong phú hơn có thể nói là đã bức thiết đối với người trồng vải và chính quyền tỉnh Bắc Giang.
Chính quyền đã đặt một mục tiêu khó nhằn là Nhật Bản, và thị trường quen thuộc của chúng ta là Trung Quốc cũng đang ngày một “khắt khe” hơn.
Những năm gần đây, các tiêu chuẩn đã được áp dụng lên các vườn vải. Theo đó, vải thiều Bắc Giang đạt tiêu chuẩn phải có mã vùng sản xuất, có cơ sở đóng gói, tem nhãn đầy đủ để có thể truy xuất được nguồn gốc.
Năm nay, diện tích vải đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP của Bắc Giang đạt 15.000 ha (50% tổng diện tích vải toàn tỉnh), sản lượng khoảng 110.00 tấn. Đáng chú ý, để chinh phục các thị trường khắt khe, tỉnh cũng đã có 80 ha vải chứng nhận GlobalGAP, sản lượng chừng 500 tấn.
Ông Lê Sỹ Thành, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Giang cho biết, thị trường Nhật Bản yêu cầu không có dấu hiệu của thuốc bảo vệ thực vật. Để đáp ứng yêu cầu này, Cục BVTV, các viện, trường đã giúp Bắc Giang xây dựng một bộ thuốc gồm 21 hoạt chất sinh học an toàn, đồng thời kết hợp các biện pháp cơ học, thủ công, thông qua dự tính dự báo để phòng trừ sâu bệnh tốt, hiệu quả, chi phí thấp.
Bắc Giang đã áp dụng sơ chế, xông hơi khử trùng, chiếu tia X Quang để phát hiện sâu đục cuống, đảm bảo các sản phẩm không bị lỗi. Nhờ vậy, quả vải bảo quản được 15 ngày, đảm bảo tươi ngon khi đến tay khách hàng, kể cả đi bằng đường biển.
Về thị trường truyền thống là Trung Quốc, hiện đã có 300 thương lái đăng ký đến mua vải thiều Lục Ngạn, đồng thời các thương lái này cũng chấp nhận cách ly tập trung 14 ngày.
Từ Thức(t/h)