Bộ ngoại giao Việt Nam mới đây đã bác bỏ phát ngôn phi lý của bộ ngoại giao Trung Quốc, khẳng định rằng tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc vẫn luôn hoạt động trong vùng biển của nước này và cho biết, Việt Nam sẽ tham gia cuộc diễn tập hàng hải chung cùng ASEAN và Mỹ tại vịnh Thái Lan.
Sau tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam vào ngày 16/8, phản đối việc Trung Quốc tiếp tục đưa tàu vào vùng biển của Việt Nam, tái diễn vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ số tàu nói trên.
Ngày 19/8, người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã phản hồi rằng, tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 của nước này luôn ‘hoạt động trong vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc’.
Do đó, Trung Quốc mong Việt Nam ‘thành thực tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc’, đồng thời hợp tác với nước này để duy trì sự hòa bình, ổn định tại các vùng biển nói trên.
Tàu Hải Dương 8 ‘luôn hoạt động trong vùng biển’ của Trung Quốc
“Trung Quốc có chủ quyền đối với Quần đảo Nam Sa và các vùng biển lân cận, và có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển có liên quan. Con tàu được nói đến của Trung Quốc vẫn luôn hoạt động trong vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc.
Trong quá trình đó, con tàu này đã điều chỉnh thích hợp kế hoạch hoạt động để phù hợp với các điều kiện hàng hải và nhu cầu thực tiễn. Chúng tôi hy vọng rằng quốc gia có liên quan sẽ thành thực tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc và hợp tác với Trung Quốc để duy trì sự hòa hợp và bình yên tại các vùng biển này”, người phát ngôn Cảnh Sảng nói.
Bác bỏ phát ngôn phi lý của Trung Quốc về chủ quyền biển đảo
Trước những phát ngôn vô căn cứ của Trung Quốc, trong cuộc họp báo thường niên của bộ ngoại giao ngày 22/8 tại Hà Nội mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã lên tiếng bác bỏ toàn bộ luận điệu phi lý trên.
Và một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên biển Đông theo công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).
“Về hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam của nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8, Việt Nam đã nói rõ nhiều lần. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982”, bà Hằng cho hay.
Theo người phát ngôn bộ ngoại giao Việt Nam, các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam vẫn tiếp tục thực thi bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế và theo đúng pháp luật Việt Nam.
Tham dự cuộc diễn tập chung đầu tiên cùng ASEAN và Mỹ tại vịnh Thái Lan
Ngoài ra, cũng trong cuộc họp bào này, bà Hằng cho biết thêm việc Việt Nam sẽ cùng Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Mỹ tham dự cuộc diễn tập chung đầu tiên tại vịnh Thái Lan vào ngày ngày 2/9 tới.
“Theo thông tin chúng tôi được biết, cuộc diễn tập hàng hải ASEAN và Mỹ sẽ diễn ra từ ngày 2 tới ngày 6/9/2019. Đây là hoạt động được tiến hành theo thỏa thuận giữa bộ trưởng quốc phòng ASEAN và Mỹ năm 2018. Là thành viên của ASEAN, Việt Nam sẽ tham gia cuộc diễn tập này”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho hay.
Được biết, đây là cuộc diễn tập hàng hải đầu tiên giữa Mỹ và ASEAN, kéo dài 5 ngày và có sự tham gia của ít nhất 8 tàu và máy bay. Sự kiện diễn tập này diễn ra ở cảng hải quân Sattahip ở tỉnh Chonburi (Thái Lan) và kéo dài tới mũi Cà Mau (Việt Nam) với mục đích cân bằng mối quan hệ giữa ASEAN với Trung Quốc và Mỹ.
Tàu Hải Dương 8 cùng nhiều tàu hộ tống của Trung Quốc lần đầu tiến vào vùng biển của Việt Nam vào tháng 7, sau đó rút khỏi khu vực ngày 7/8. Ngày 13/8, tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc quay trở lại hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam.
Giới chuyên gia đánh giá rằng động thái quay trở lại bãi Tư Chính của tàu Trung Quốc sau chưa đầy một tuần rút đi chứng tỏ Bắc Kinh không chịu ảnh hưởng từ sức ép quốc tế mà đơn giản là tàu cần phải về để tiếp nguyên liệu và tránh biển động.
Trước tình hình trên, có nhiều nguồn tin cho rằng Việt Nam đã cử tàu chiến hiện đại Quang Trung HQ-016 tới Bãi Tư Chính, nơi đang xảy ra đối đầu giữa hải cảnh Việt Nam và Trung Quốc. “Dường như một trong hai chiếc tàu hiện diện của Việt Nam là tàu chiến lớp Gepard (Quang Trung)”, nhà nghiên cứu về hải quân Trung Quốc của Mỹ, Ryan Martinson cập nhật trên Twitter vào ngày 17/8.
Ngày 18/8, Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales, chuyên gia về Biển Đông và Việt Nam cũng chia sẻ trên Twitter rằng, theo “nhiều nguồn tin ở Hà Nội” cho biết “Việt Nam đã cử chiến hạm Quang Trung HQ-016 tới Bãi Tư Chính hôm nay”.
Vũ Tuấn (t/h)