Tinh Hoa

Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Nước nào cũng có một loại vòng kim cô

(PL)- Có mấy cuộc chất vấn chính trị mà cả công chúng và người trả lời đều say sưa, bồi hồi, rưng rưng đến quên thời gian như cuộc chất vấn bà Tôn Nữ Thị Ninh!

Sáng 7-3, buổi giao lưu ra mắt quyển sách Tư duy và chia sẻ của bà Tôn Nữ Thị Ninh tại NXB Trẻ đông chật giới sinh viên và trí thức nhiều thế hệ đến tham dự. Có một điều đáng chú ý là bà Tôn Nữ Thị Ninh không giới thiệu mình như một nhà chính trị, nhà ngoại giao nữa mà là “nhà hoạt động văn hóa-xã hội và giáo dục”. Quyển sách của bà mặc dù cũng được bà nhấn mạnh đó không phải là một quyển hồi ký về ngoại giao-chính trị nhưng công chúng vẫn luôn hỏi bà những câu hỏi mang tính chính trị.

“Việt Nam cần đổi mới lần thứ hai và phải chạy nhanh lên”

. Độc giả: Thưa bà, bà đã nói rằng: “Tuổi trẻ trước khi nhận trọng trách của đất nước phải làm chủ được đời mình” nhưng thực tế đất nước hiện nay có bao nhiêu thanh niên thực sự làm chủ được cuộc sống của mình? Trong Quốc hội có bao nhiêu đại biểu trẻ làm chủ mình để hỏi những câu hỏi thẳng thắn vào những vấn đề nóng bỏng của đất nước?

+ Tôn Nữ Thị Ninh: Tôi phải nói chân thật, ngay đến cả bản thân tôi cũng không thể nói rằng luôn làm chủ được đời mình cho đến nay vì cuộc đời là một chuỗi những thỏa hiệp. Tuy nhiên, chúng ta phải sống làm sao để khi nhìn lại, chúng ta biết rằng mình đã sống và đã thỏa hiệp những gì, như thế nào. Ít nhất chúng ta phải làm chủ mình ở mức chỉ thỏa hiệp những gì đáng thỏa hiệp và thỏa hiệp cách nào đó để chịu những tổn thất, trả giá ít nhất.

Công chúng đã đặt ra cho bà Tôn Nữ Thị Ninh những câu hỏi gay cấn, nặng trĩu trăn trở về sự phát triển của đất nước khiến cuộc giao lưu trở nên hấp dẫn, kéo dài đến quá trưa.

Nhưng dù thế, các bạn trẻ phải có được ý thức ngay từ đầu, từ rất sớm là phải làm chủ được đời mình để chủ động với những cơ hội, thách thức và cả những thỏa hiệp nữa sẽ xảy đến bất cứ lúc nào trên bước đường đời. Nếu lấy một số ít đại biểu trẻ nào đó ở Quốc hội để nói rằng không tin tưởng vào thế hệ thanh niên hiện nay không làm chủ được đời mình, không làm chủ được đất nước là không công bằng. Tôi thấy cần phải tin vào thanh niên và động viên họ. Tôi đã gặp rất nhiều thanh niên với rất nhiều câu hỏi trăn trở về đất nước, về xã hội, họ muốn những cái gì cao hơn, đẹp hơn, sâu sắc hơn. Chứ tôi sợ nhất là sự thờ ơ, sợ nhất là thanh niên chỉ lo mua sắm, vui chơi hưởng thụ rồi không biết gì nữa hết.

. Bà là người đã tham gia vào những dự tính của đất nước, với hai cuộc chiến tranh đã qua chúng ta không nhắc nữa, với 10 năm sau thống nhất 1975-1985 là sự sai lầm nhưng 30 năm qua, tốc độ phát triển của nước ta quá chậm so với nhiều nước xung quanh, vậy nguyên nhân do đâu? Có phải do đường lối, do sự lãnh đạo, do sự thỏa hiệp của những người như bà, hay là do văn hóa dân tộc? Xin bà cho biết câu hỏi này có đáng hỏi, đáng để trả lời hay không?

+ Tôi có thể nói ngay với bạn là câu hỏi này là quá đáng để trả lời. Sự xuất hiện những câu hỏi như thế này là một điều may mắn cho đất nước. Với một số người, có thể người ta sẽ đem ra những con số thống kê từ năm 1975 tới nay để so sánh. 30 năm đổi mới đất nước, từ thành thị cho tới nông thôn đã thật sự có những thay đổi khiến bất kỳ ai cũng thừa nhận, ngay cả các cựu binh Mỹ quay về nông thôn Việt Nam cũng thấy rõ sự thay đổi. Tuy nhiên, nếu chúng ta bằng lòng với cái đang có thì chúng ta ở trong nguy cơ tụt hậu. Cá nhân tôi rất lo ngại về nguy cơ bình bình. Đất nước đang cần đổi mới lần thứ hai vì đang đứng trước những nguy cơ và thách thức không giống với giai đoạn trước đây nữa. Để vươn lên, chúng ta cần sự dám nghĩ, dám làm, dám giao cho những lực lượng đổi mới. Nếu so sánh với các nước khu vực thì chúng ta phải so nhiều thứ như so tốc độ tăng trưởng, so sự xâm nhập của Internet, so tốc độ thu hút chất xám từ nước ngoài không chỉ là từ nguồn lực bên ngoài mà còn từ nguồn con em trong nước đi du học chịu quay về làm việc, phát triển đất nước. Chúng ta đang thua kém rất lớn so nhiều nước như Hàn Quốc về việc thu hút nhân tài với sự quá chậm chạp, rụt rè. Chúng ta đang chạy nhanh lên, xã hội đang cần những hơi thở mới. Nếu chúng ta cứ kêu gọi thanh niên về trách nhiệm với đất nước nhưng lãnh đạo không quan tâm, không nhìn xuống lớp trẻ thì sẽ không có sự thay đổi, phát triển.

. Tôi đã đi rất nhiều nước văn minh, phát triển, gặp nhiều nhà khoa học và những người trẻ như ở Mỹ, Nhật, Hàn…, họ đều nói với tôi: “Phải có tự do về tư tưởng, tự do về khoa học, bạn mới phát triển được bản thân và đất nước của bạn”. Từng thụ hưởng nền giáo dục ở những nước Âu – Mỹ, bà nghĩ gì về điều này?

+ Đây là một câu hỏi thú vị. Quả thật tự do về học thuật và tự do tư tưởng là vấn đề rất quan trọng đối với sự phát triển nhiều mặt của đất nước và nó thuộc về sự dân chủ. Ở Việt Nam, đúng rằng sự dân chủ còn có những hạn chế, chúng ta còn cần phải xây dựng nhiều. Trên pháp luật, dân chủ ở ta luôn có nhưng trong thực tế nó có nhiều hạn chế, có khi là ở những văn bản đã lỗi thời. Nhưng tôi cũng nói luôn rằng không có một đất nước văn minh, phát triển nào mà không có một loại vòng kim cô nào đó. Tôi chưa thấy một chính khách nào của Mỹ chỉ trích những chính sách của Israel. Vấn đề là vòng kim cô đó như thế nào thôi.

Giới trẻ hãy học ngôn ngữ các nước ASEAN thành lập AEC

. Việt Nam đang chuẩn bị tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN – AEC với rất nhiều nguy cơ lẫn cơ hội mà nhiều bạn trẻ còn rất thờ ơ, không quan tâm đến điều này. Bà nói gì với bạn trẻ về sự kiện này?

+ Đây là một vấn đề rất quan trọng trong quá trình toàn cầu hóa của Việt Nam. Trước khi ra biển cả, chúng ta cần ra cái biển nhỏ của mình trước đã để làm quen. Chúng ta gia nhập ASEAN vào năm 1995, từ đây đã củng cố, nâng tầm rất nhiều về vị trí chính trị và ngoại giao. Các nước ASEAN giao lưu với nhau từ thể thao, văn hóa đến cả giao lưu mua bán chứ không chỉ là những vấn đề chính trị khô cứng. Vấn đề thành lập AEC đang đến rất gần với rất nhiều sự cạnh tranh lẫn cơ hội. Các bạn trẻ đừng xem thường, hãy quan tâm nhiều hơn đến văn hóa và ngôn ngữ của các nước trong khu vực, hãy học bất cứ thứ tiếng nào đó của các nước trong khối ASEAN cho dù là Thái, Indonesia hay là Lào, Campuchia. Tiếng Anh mới chỉ là tấm hộ chiếu phổ thông cho các bạn trẻ gọi là có tri thức bước vào thế giới hội nhập mà thôi. Phải là tiếng Anh và thêm cái gì nữa, một ngôn ngữ nào nữa.

. Thưa bà, tôi mong rằng bà tác động đến Bộ Chính trị nhiều hơn để đất nước chúng ta có thể có những sự thay đổi nhanh hơn. Bộ Chính trị đi chắc quá nên đi rất chậm. Mong bà cũng có tiếng nói nhiều hơn trong những buổi nói chuyện với phụ nữ, thanh niên về những vấn đề của xã hội, đất nước!

+ Tình cảm của các bạn trao gửi thì tôi xin nhận và cảm ơn. Nhưng trách nhiệm các bạn trao tôi nói với Bộ Chính trị thì tôi xin từ chối. Từ tám năm nay tôi đã về hưu, đã thành một dân thường sống tại TP.HCM nên không còn tiếp xúc với Bộ Chính trị nữa. Dĩ nhiên, sống có trách nhiệm với đất nước là phương châm của tôi nhưng tôi sẽ thể hiện trách nhiệm đó ở một cách khác, một kênh khác một cách thoải mái hơn. Bây giờ tôi làm việc với thanh niên, phụ nữ, giới doanh nhân nên tôi nói chuyện với họ. Có những người về hưu rồi vẫn cố tìm cách nói ở cái kênh Bộ Chính trị. Tôi không cố len mình vào kênh đó dù đã từng làm việc cũng rất thoải mái khi ở vị trí thuộc kênh đó. Tôi nghĩ con người ta cần sống, làm việc thoải mái ở bất cứ vị trí nào mà cuộc đời đặt mình vào đó.

Nhà ngoại giao và hoạt động xã hội xuất sắc

Bà Tôn Nữ Thị Ninh từng học ĐH Sorbonne của Pháp và ĐH Cambridge ở Anh, dạy học ở ĐH Paris III và ĐH Sư phạm TP.HCM. Bà đã công tác tại Ban Đối ngoại Trung ương và Bộ Ngoại giao hơn 20 năm; là đại sứ ở Bỉ, Luxembourg và là trưởng Phái đoàn đại diện bên cạnh Liên minh châu Âu tại Brussels. Bà là đại biểu Quốc hội khóa 11; là phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại phụ trách quan hệ Việt Nam-Bắc Mỹ và Tây Âu; đồng chủ tịch Nhóm đối thoại Mỹ-Việt Nam về chất độc màu da cam 2006-2008; thành viên mạng lưới lãnh đạo châu Á-Thái Bình Dương vì giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân; phó chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam. Hiện bà là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu xã hội và giáo dục Trí Việt do bà sáng lập. Bà từng nhận huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh của Pháp, huân chương Leopold II của Bỉ và huân chương Lao động hạng Nhất trong nước. Bà từng tham gia phiên dịch cho Chính phủ lâm thời của cách mạng miền Nam Việt Nam ở các vòng đàm phán Hiệp định Paris; và tham gia hội nghị quốc tế về vấn đề Campuchia sau này.

HÒA BÌNH thực hiện

Theo Pháp luật TPHCM