Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với BBC hôm 14/1 về quan hệ giữa hai bờ eo biển, lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn nói Trung Quốc nên chấp nhận thực tế và thể hiện sự tôn trọng đối với hòn đảo này.
“Xâm lược Đài Loan sẽ dẫn đến một cái giá rất đắt cho Trung Quốc. Chúng tôi là một nền dân chủ thành công, chúng tôi có một nền kinh tế khá tốt, chúng tôi xứng đáng được Trung Quốc tôn trọng”, Tổng thống Đài Loan Thái Anh văn nói với phóng viên BBC hôm 14/1.
Khi được hỏi về khả năng tăng cường đối thoại với Trung Quốc trong thời gian tới, bà thái Anh Văn cho biết, điều chủ chốt là Bắc Kinh phải đối diện với thực tế. Nếu lãnh đạo Trung Quốc không chuẩn bị cho điều đó, họ sẽ không thể thỏa mãn với bất kỳ “cành ô liu” nào Đài Loan chìa ra.
Bà Thái hy vọng Trung Quốc có thể hiểu thấu đáo nguyện vọng của người dân Đài Loan thông qua kết quả cuộc bầu cử mới đây và xem xét lại các chính sách hiện tại của mình.
Đối với câu hỏi về khả năng tuyên bố độc lập, bà Thái khéo léo trả lời: “Chúng tôi không cần tuyên bố mình là một quốc gia độc lập. Chúng tôi đã là một quốc gia độc lập và chúng tôi tự gọi mình là Trung Hoa Dân Quốc, Đài Loan”, nữ lãnh đạo 63 tuổi khẳng định chủ quyền của hòn đảo tự trị sẽ không bị nghi ngờ hay phải đàm phán.
Những tuyên bố như vậy thường làm Bắc Kinh rất tức giận, bởi họ luôn khẳng định Đài Loan là một phần của đại lục theo nguyên tắc “Một Trung Quốc”, chính sách được đối thủ chính của bà Thái Anh Văn là ông Hàn Quốc Du thuộc Quốc Dân đảng (KMT) ủng hộ.
Song, lãnh đạo Thái Anh Văn tin rằng chiến thắng của bà trong cuộc bầu cử mới đây là bằng chứng cho thấy khái niệm ”Một Trung Quốc” đã không còn thể hiện đúng tình trạng thực tế của Đài Loan. Theo bà Thái, tình hình đã thay đổi và sự mơ hồ kiểu như vậy không còn khả năng phục vụ các mục đích ban đầu của nó nữa.
Bà Thái tin rằng lợi ích của Đài Loan sẽ được phục vụ tốt nhất không phải từ lý luận suông mà là từ sự đối diện với thực tế, đặc biệt là nguyện vọng của giới trẻ Đài Loan. Bà khẳng định Đài Loan có một bản sắc riêng và là một quốc gia của riêng. Vì vậy, nếu có bất cứ điều gì trái ngược với ý tưởng này, họ [giới trẻ Đài Loan] sẽ đứng lên phản đối.
Bà nhấn mạnh: “Bởi vì chúng tôi đã chứng kiến Trung Quốc tăng cường sự đe dọa trong hơn 3 năm qua. Họ cho tàu quân sự và máy bay tuần tra quanh hòn đảo. Ngoài ra, với những gì xảy ra ở Hong Kong, mọi người đều thực sự cảm giác được mối đe dọa này là có thật và ngày càng nghiêm trọng hơn”.
Tổng thống Đài Loan cũng nhận thức rõ việc tái đắc cử của mình có thể khiến Bắc Kinh tăng áp lực thêm lên chính quyền Đài Bắc.
Vì thế để đáp lại, bà Thái cho biết chính quyền đảo đang cố gắng đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại và thúc đẩy nền kinh tế trong nước. Bà cũng khuyến khích các nhà đầu tư Đài Loan đang có cơ sở sản xuất ở Trung Quốc xem xét việc di dời về nước.
Từ sau cuộc nội chiến giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Quốc Dân Đảng, chính quyền Tưởng Giới Thạch đã rút ra đảo Đài Loan và ĐCSTQ lên nắm quyền tại Đại lục từ năm 1949. Chính quyền Bắc Kinh cũng nhiều lần tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và có thể sáp nhập bằng vũ lực nếu cần thiết.
Từ khi giữ cương vị Tổng thống Đài Loan vào năm 2016, bà Thái đã bác bỏ điều này cùng mô hình “1 quốc gia, 2 chế độ” mà Bắc Kinh luôn muốn áp đặt lên hòn đảo. Việc bà Thái tái đắc cử trong năm nay cũng tạo nên “cơn đau đầu” mới cho Bắc Kinh khi họ còn đang bận giải quyết vấn đề Hong Kong.
Thiện Thành (t/h)