Đối với bạn thì ngày tận thế là ngày nào, là ngày mà cơn đại hồng thủy cuốn trôi tất cả hay là ngày trái đất này nổ tung? Với Jean-Louis Fournier của “Ba ơi, Mình đi đâu?” thì ngày tận thế ấy chẳng đâu xa xôi, nó là ngày ông ngập trong hạnh phúc hân hoan chào đón đứa con đầu lòng và chỉ ít phút sau ông lại như chết lặng khi nghe bác sĩ nói rằng “con anh không được bình thường, nó sẽ không lớn lên…”
Ngày tận thế ấy, tưởng chỉ có 1 thôi vậy mà với Jean lại có đến 2 ngày tận thế. Cả 2 người con của ông, Thomas và Mathieu, sinh ra đều bị tật nguyền…
Những đứa trẻ ấy mắt nhìn không rõ, tai điếc, chân khoèo, lưng gù, xương yếu. Một đứa chỉ biết nhắc đi nhắc lại một câu hỏi “Ba ơi, mình đi đâu?”. Một đứa suốt ngày nghĩ mình là một động cơ nên cứ kêu “brừm, brừm”… Sống trong thế giới ấy, người cha cần phải làm thế nào?
Uất hận, than trách cuộc đời, nổi điên lên hay buồn bã… Jean đã phải thừa nhận rằng, bản thân đã có những giây phút quẫn trí, ông từng nốc rượu rồi phóng xe như điên để mong một tai nạn sẽ ập đến, từng có ý định vứt những đứa con của mình ra ngoài cửa sổ…
Trả lời câu hỏi “Ba ơi, mình đi đâu?” được lặp lại đến hàng trăm lần của con trai, ông mất cả kiên nhẫn. “Ba cũng chẳng biết rõ chúng ta đi đâu, Thomas tội nghiệp của ba à. Chúng ta đi loanh quanh. Chúng ta đâm thẳng vào tường.”
“Ba ơi, mình đi đâu?
Mình đi đến bể bơi, mình đi lao xuống một cái bể cạn từ một cái ván nhún.
Mình đi ra biển. Mình đi đến làng Mont-Saint-Michel. Mình sẽ đi dạo trong cát lún. Mình đi trong sa lầy. Mình sẽ đi xuống địa ngục…”
Đau khổ là vậy, cay đắng là thế, oán hận cuộc đời như vậy, đôi khi chỉ muốn tất cả mọi thứ đều biến mất… nhưng ông cũng không thể phủ nhận tình thương vô bờ bến mình dành cho các con. Ông không ngừng đổ lỗi cho bản thân, day dứt và dằn vặt không biết bao nhiêu lần vì chính mình là tác giả của những đứa trẻ, là người phá hỏng cuộc đời chúng. “Mỗi lần ngắm nhìn Thomas, mỗi lần nghĩ đến Mathieu, tôi lại tự hỏi liệu tôi đã làm tốt việc tạo ra chúng chưa”.
Dù chưa bao giờ nhận mình là một thiên thần để chịu đựng từng ấy nỗi niềm tan nát. Song người cha ấy không gục ngã. Hay nói đúng hơn hai đứa trẻ tật nguyền thúc giục ông cần phải vượt qua mọi khó khăn. Đó là cách người cha nhìn vào những thử thách khắc nghiệt bằng một cặp mắt khác.
Đó là sự hài hước trong những điều cay đắng. Ông thấy các con mình không phải đi học, không phải nghe giảng, không phải làm bài kiểm tra, không phải chịu phạt. Ông thấy nhờ các con mà mình được phóng trên những chiếc xe lớn, tránh được việc nộp phạt, có tiền từ trợ cấp tật nguyền của con, không phải lo lắng về định hướng nghề nghiệp tương lai…
Người ta chỉ thấy ông đùa giỡn đối với những đứa con ngờ nghệch của mình, nhưng liệu ông có thương những đứa con tật nguyền của mình không? Vào ngày Mathieu mất, ông ngồi thâu đêm lật và đếm từng chiếc lá rụng, ông nói “không nên nghĩ rằng cái chết của một đứa trẻ tật nguyền thì ít buồn hơn. Nó cũng buồn như một đứa trẻ bình thường vậy… Thật khủng khiếp, cái chết của kẻ chưa bao giờ được hạnh phúc. Kẻ đến với Trái Đất này dạo thoáng qua một vòng chỉ để chịu đau khổ” và ông nói “đó là mùa thu, đó là một giấc mơ…”
Ông tự hỏi, ở trên thiên đường, liệu các con có một cuộc sống tốt đẹp hơn chăng, liệu các con có tật nguyền. Ngay cả đến khi các con đã về với Chúa, ông vẫn không ngừng lo sợ, vì ông đã thua đến hai lần trong trò xổ số mang tên “di truyền học”…
Trong cuộc đời này, chẳng ai mong đợi những điều không may mắn, xảy đến với bản thân mình hay với những người xung quanh. Nhưng theo một lẽ thường tình và không thể đoán biết trước, những “ngày tận thế” ấy vẫn cứ xảy ra.
Có lẽ Thomas và Mathieu, chúng không nên ở đây, chúng đã đáp sai tàu tốc hành, chúng đáng ra nên bay đến bên cạnh thượng đế trên thiên đàng. Nhưng họ đã sống và chiến đấu, họ không từ bỏ những đứa con của mình và những đứa trẻ chưa bao giờ thôi khao khát sống.
Cho đến cuối cùng, Jean cũng phải nghẹn ngào thốt lên rằng: “Tôi đã không may mắn. Tôi đã chơi trò xổ số di truyền học, tôi đã thua… Cuối con đường tôi đi là ngõ cụt, phần kết cuộc đời tôi là bế tắc”…Người cha kiên cường, cười cợt với cuộc đời để cho 2 đứa con của ông có thể đứng “nghiêng” trên đôi chân tật nguyền của chúng, cuối cùng cũng phải thừa nhận sự chán chường bên trong mình, nhưng ông đã dũng cảm chiến đấu đến cuối cùng, đối với các con của mình, ông thực sự là một người anh hùng.
Cuốn sách là nỗi bất hạnh của Jean-Louis nhưng lại là niềm hy vọng của những người có cơ hội đọc được nó, đọc để biết mình còn có thể tìm được nụ cười qua những nỗi đau và bất hạnh, cười để mà còn bước tiếp, vì cuộc sống đôi khi không có sự lựa chọn, bạn gục ngã nhưng đằng sau không còn ai chống lưng cho bạn.
Tôi mong sẽ có nhiều người tìm đến cuốn sách này để hiểu rõ thế giới của tật nguyền, của nỗi đau, của day dứt, của thất vọng và khi gấp sách lại ta biết rằng mình không cần so sánh cuộc đời mình với ai mà nên thêm trân trọng những gì bản thân đang có, bớt bi lụy vì cuộc sống ngoài kia vẫn còn rất tươi đẹp, hạnh phúc mong manh nhưng không bao giờ lụi tắt.
Xuân Hạ