Đáng lẽ được cấp học vị tiến sĩ từ tuổi đôi mươi, nhưng phải đến 77 năm sau bà mới nhận được điều xứng đáng thuộc về mình. Thế nhưng ngày nhận bằng bà lại bảo, bà nhận tấm bằng ấy không phải vì lợi ích của bản thân, mà là vì tất cả những người có chung số phận như bà, nhưng bi thảm hơn nhiều…
Người phụ nữ ấy là Ingeborg Rapoport. Bà sinh năm 1912 ở thị trấn Kribi, thuộc đất nước Cameroon, khi ấy vẫn còn là thuộc địa của Đức. Tuy vậy, bố mẹ bà sớm mang bà theo tới thành phố Hamburg, nước Đức.
Mặc dù cả bố lẫn mẹ đều là tín đồ Cơ Đốc giáo, nhưng mẹ của bà có gốc Do Thái. Điều này không ảnh hưởng gì tới Ingeborg khi con nhỏ vì bà được nuôi nấng để trở thành một người theo Đạo Tin Lành, nhưng đó lại là thứ thay đổi cuộc sống của bà sau này.
Năm 1937, Ingeborg vượt qua kỳ thi quốc gia để trở thành một bác sĩ nhi khoa và học tập tại Đại học Hamburg.
Một năm sau, bà quyết định làm một luận án về bệnh bạch hầu vì thời điểm đó bạch hầu đang là dịch bệnh chủ yếu ở châu Âu và châu Mỹ. Cùng năm đó, bà nộp luận án tiến sĩ về bệnh bạch hầu cho người hướng dẫn. Lúc ấy bà 25 tuổi còn Adolf Hitler là Thủ tướng nước Đức. Thế nhưng công trình quan trọng này của bà đã bị trì hoãn chỉ vì nguồn gốc của mình.
Ingeborg từng kể, giáo sư hướng dẫn bà lúc đó đã ca ngợi nghiên cứu về bệnh bạch hầu của bà… Mặc dù ông rất ấn tượng, nhưng một Đảng viên Quốc xã đã nói với cô Rapoport rằng như thế là chưa đủ và bà không được phép tham gia bảo vệ luận án của mình. Dù rằng bà đã làm mọi nghiên cứu cần thiết.
Trong con mắt của phát xít Đức, Ingeborg là một “mischling” – nghĩa là người vừa có dòng máu Arya vừa có dòng máu Do Thái. Trường Đại học Hamburg đã cấp cho bà một chứng nhận giấy trắng mực đen rằng họ sẽ cấp học vị Tiến sỹ cho bà “nếu pháp luật hiện hành không cấm bà Syllm tham gia vào kỳ bảo vệ tiến sĩ vì lý do huyết thống của bà”.
Đây quả là một đòn giáng mạnh vào cô gái Ingeborg trẻ tuổi, nhưng bà không để chuyện đó ngáng đường sự nghiệp của mình. Cùng năm 1938, bà chuyển tới Mỹ quốc, sau khi thực tập ở một số trường y, bà nhận được bằng MD (bác sĩ y khoa) từ trường Y dành cho nữ tại Đại học Pennsylvania.
Sau đó bà tới làm việc tại bệnh viện nhi của bang Cincinnati và rồi trở thành chủ nhiệm khoa ngoại trú. Ingeborg đã gặp mặt chồng tương lai của mình tại xứ này. Năm 1952, sau khi chồng bà được mời làm chủ nhiệm khoa Sinh hoá tại Đại học Humboldt ở Đông Berlin, Ingeborg đã theo chồng hồi hương.
Ở Đông Đức, bà tiếp tục làm việc chăm chỉ và dành hết thành tựu này tới tiếng vang khác. Bà trở thành đồng sáng lập Hiệp hội Cận sinh. Bà cũng là thành viên Hội đồng Cận sinh châu Âu và trở thành thành viên của một uỷ ban có nhiệm vụ giảm số ca tử vong ở trẻ nhỏ.
Trước khi nghỉ hưu năm 1973, bà đã thành lập bệnh viện sơ sinh đầu tiên ở Đức và được chỉ định làm Giáo sư về sơ sinh tại Bệnh viện Charite tại Đông Đức năm 1969. Sau khi bà nghỉ hưu được hơn 40 năm, trường Đại học Hamburg quyết định đã đến lúc để sửa chữa lại sai lầm xưa của mình.
Đối với hầu hết nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án tiến sĩ quả là một chặng đường dễ làm người ta nản chí, đấy là còn chưa kể tới việc phải đi học những môn liên quan ở trường. Nhưng lần này, ba chuyên gia y học tại trường Đại học Hamburg đã tới tận nhà để găp mặt Ingeborg. Tại đây, họ đã cùng nhâm nhi và hỏi đáp về công trình nghiên cứu mà bà đã tiến hành từ những năm tuổi đôi mươi.
Ingeborg có thể là ngôi sao sáng trong lĩnh vực của mình, nhưng bà vẫn chịu khó hỏi han bè bạn để tìm hiểu xem những phát minh và cải tiến gì đã xuất hiện trong việc điều trị bênh bạch hầu từ những năm 1930. Bà đã quyết tâm làm việc này thật đường đường chính chính.
Cuối cùng bà đã vượt qua được bài kiểm tra, và người ta đã tổ chức cho bà một lễ trao bằng đặc biệt. Lúc ấy bà đã 102 tuổi và là người già nhất thế giới nhận được tấm bằng danh dự này. Một phóng viên đài phát thanh CBC tham dự lễ trao bằng đã kể lại rằng Ingeborg bước lên trên bục “chống gậy, đi tất mang dép xăng đan” nhưng bà chắc chắn là “một ngôi sao nhạc rock trăm tuổi”.
Ingeborg giải thích với vị phóng viên nọ: “Đây là ý tưởng của trường Đại hoc, nó không phải vì lợi ích cá nhân của tôi. Tôi không cần danh xưng tiến sĩ nữa. Tôi đã có những danh hiệu cao quý hơn rồi. Tôi không quan tâm lắm, nhưng tôi quan tâm tới tất cả những người có chung số phận như tôi, không, có lẽ là bi thảm hơn nhiều. Bởi vì tôi may mắn, còn họ thì không. Tôi đã làm điều này vì họ”.
Ingeborg ra đi ngày 23/3/2017, hưởng thọ 104 tuổi. Mặc dù tấm bằng tiến sĩ chẳng đáng kể gì so với những thành tựu sau này, nhưng bà hiểu tầm quan trọng của việc nhận lấy nó – không phải cho bà, mà là cho những người cùng cảnh ngộ kém may mắn hơn.
“Tôi làm điều này là vì họ”.
Cuộc đời của bà là minh chứng sống động cho một con người tận tụy, kiên cường và hết lòng vì cộng đồng mặc dù chỉ là phận nữ nhi chân yếu tay mềm. Có lẽ bởi điều bà theo đuổi suốt chặng đường đời không phải là một danh hiệu nào đó mà chính là sự cống hiến, thế nên cuối cùng những gì xứng đáng cũng lại thuộc về bà, giống như câu nói “không cầu mà tự được” vậy.
Hạ Chi (Theo The Vintage News)
Xem thêm: