Tinh Hoa

Ba kịch bản có thể xảy ra sau cuộc trưng cầu dân ý ở Hy Lạp

Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý ở Hy Lạp hiện nay rất khó lường. Nếu người dân đa số chọn “Có”, điều đó có nghĩa họ muốn chính phủ đồng ý những điều kiện để nhận gói cứu trợ mà họ cực lực phản đối.

Chính phủ Hy Lạp đang khuyến khích người Hy Lạp bỏ phiếu trả lời “Không”, qua đó có thể sẽ giúp đất nước vẫn là thành viên của Khối đồng tiền chung Châu Âu và thỏa thuận lại với các chủ nợ nhằm có được những điều kiện bớt ngặt nghèo hơn, hoặc giảm bớt nợ.

Trong một báo cáo, nhà kinh tế châu Âu Huw Pill, hiện đang làm việc tại ngân hàng Goldman Sachs ở châu Âu, viết rằng những gì xảy ra sau cuộc trưng cầu dân ý quan trọng hơn kết quả của nó.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras rời buồng bỏ phiếu bầu cử vào tháng 1/2015.

Trước lúc bỏ phiếu lấy ý kiến, ông Pill nói rằng kết quả của cuộc trưng cầu dân ý rất khó đoán trước và những thăm dò ban đầu không cho kết quả đáng tin cậy. Tuy nhiên, ông nói: “Nếu phải chọn một khả năng xảy ra, chúng tôi tin rằng phần lớn người dân sẽ bỏ phiếu “Có”. Việc các ngân hàng đóng cửa và chính phủ hạn chế tiền mặt đối với thị trường Hy Lạp sẽ khiến người đi bầu nghĩ đến tính nghiêm trọng của vấn đề, đặt câu hỏi về vị thế của Hy Lạp đối với châu Âu, và có thể sẽ khiến họ hướng đến chấp thuận điều kiện của châu Âu”.

Ông Pill cho biết sẽ có 3 kịch bản xảy ra sau khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra. Thứ nhất, người dân bỏ phiếu trả lời “Có” và Thủ tướng Alexis Tsipras cùng Bộ trưởng Bộ Tài chính Yanis Varoufakis từ chức. Theo ông Pill, “đây có lẽ là kết quả có lợi nhất đối với thị trường”. Ông Varoufakis khẳng định ông sẽ từ chức nếu người dân ủng hộ điều kiện của châu Âu, và ông Pill tin rằng chính phủ mới sẽ phải cực kỳ khôn ngoan và đặc biệt tập trung vào việc cứu Hy Lạp.

Thứ hai, người dân bỏ phiếu “Có” nhưng chính phủ của ông Tsipras nhất quyết không từ chức. Điều này sẽ khiến tình hình không biến chuyển, khi chính phủ không thể tiếp cận khoản vốn cứu trợ kinh tế và các ngân hàng vẫn phải đóng cửa. Ông Pill nhận định, “sau cùng, mâu thuẫn về chính trị cũng như sự yếu kém kinh tế rất có thể sẽ buộc Hy Lạp phải thay đổi chính quyền”.

Thứ ba, người dân phần lớn bỏ phiếu “Không”, qua đó sẽ giúp chính phủ hiện tại củng cố lập trường của mình. “Với thị trường, đây được coi là kết quả tiêu cực”, ông Pill nói. Dù vậy, điều đó cũng không có nghĩa là Hy Lạp sẽ rời EU. Thay vào đó, tình hình kinh tế trì trệ có thể sẽ khiến người dân bầu chọn chính phủ mới.

Ông Pill kết luận: “Nói tóm lại, dựa trên những khả năng có thể xảy ra ở trên, chúng tôi tin rằng sẽ có một cuộc thay đổi chính quyền tại Hy Lạp, và nó sẽ khiến nước này phải đi đến một thỏa thuận mới với các chủ nợ và giúp cho Hy Lạp vẫn là thành viên của EU”.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Business Insider, một trang tin công nghệ lớn của Mỹ. Business Insider nổi tiếng bởi các bài viết tổng hợp từ nhiều nguồn tin với các chủ đề nổi trội liên quan đến công nghệ, chính trị, quân sự…

Anh Tuấn (lược dịch)

Theo Infonet