Tinh Hoa

Asanzo: ‘Hàng Việt Nam chất lượng cao’ nhưng nhập từ Trung Quốc?

Trước việc CEO tập đoàn Asanzo thừa nhận sử dụng linh kiện Trung Quốc để lắp ráp các thiết bị mang nhãn hiệu Asanzo, Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao đã tước quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao đối với doanh nghiệp này.

Asanzo bị tước danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao vì nhập linh kiện từ Trung Quốc. (Ảnh qua zing)

Ngày 21/6, Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao (HVNCLC) cho biết đã tước quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao đối với doanh nghiệp ASANZO khi có thông tin về việc hàng điện tử gia dụng thuộc Tập đoàn này được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trao đổi với phóng viên, bà Vũ Kim Hạnh – chủ tịch Hội Doanh nghiệp HVNCLC cho biết, hành vi nhập hàng Trung Quốc ghi xuất xứ Việt Nam đã gây tổn thương nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam vào hàng Việt, ảnh hưởng xấu tới uy tín chương trình HVNCLC.

Theo đó, bà Hạnh cũng đã gửi đi lời xin lỗi và khẳng định rằng hội sẵn sàng hợp tác với tất cả các đơn vị có thẩm quyền để điều tra: “Thay mặt ban chấp hành, tôi nhận lỗi với người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính về sai sót này.

Lắp ráp tivi tại Nhà máy Asanz o trong Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Q.Bình Tân, TP.HCM. (Ảnh qua tuoitre)

Chúng tôi sẵn sàng cộng tác với các báo đài cùng lành mạnh hóa môi trường cạnh tranh, và tiếp tục đưa ra ánh sáng những doanh nghiệp làm ăn gian dối thường bao biện theo nhiều cách, che giấu vi phạm bằng những chiến dịch truyền thông đắt tiền”.

Video: “Ông Chủ” Hãng Tivi Asanzo Nói Gì Khi Bị Tố Xé Nhãn “Made in China”. (Nguồn:Việt Nam 247)

Bí mật trong thùng container

Ngày 7/9/2018, Cục Hải quan TP.HCM bất ngờ kiểm tra container số hiệu FCIU8689004 chứa linh kiện lò nướng điện nhập từ Trung Quốc tại cảng IDC Phước Long. Công ty TNHH sản xuất thương mại Sa Huỳnh (Công ty Sa Huỳnh) là chủ lô hàng này.

Hồ sơ thông quan thể hiện Công ty Sa Huỳnh tự khai hàng hóa trong container là linh kiện của lò nướng thủy tinh gồm: 970 nắp đậy bằng nhựa, 940 chậu lò nướng bằng thủy tinh, 1.180 thiết bị đếm thời gian của lò nướng. Tất cả đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, khi mở container kiểm tra, hải quan phát hiện toàn bộ hàng bên trong là 1.300 bộ lò nướng thủy tinh nguyên chiếc nhãn hiệu Asanzo.

Container chở linh kiện từ Trung quốc về nhập tại các nhà máy của Asanzo. (Ảnh qua tuoitre)

Hơn 19 công ty ‘ma’ nhập hàng Trung quốc về bán với nhãn hiệu Asanzo

Sau nhiều tháng điều tra, lực lượng chức năng đã phát hiện không chỉ Công ty Sa Huỳnh, mà từ năm 2014 đến nay có tới 19 công ty nhập khẩu sản phẩm điện gia dụng hiệu Asanzo từ Trung Quốc. Một số công ty khác thì chuyên nhập linh kiện nhãn hiệu Asanzo để lắp ráp tivi, máy lạnh, điện thoại… Và hầu hết các công ty này đều sử dụng địa chỉ ‘ma’.

Cụ thể, lô hàng có nhãn hiệu Asanzo đầu tiên về Việt Nam vào ngày 25/6/2014 với 1.335 panel LCD dùng lắp ráp tivi 32 và 40 inch, do Công ty TNHH điện gia dụng Su Po nhập. Tháng 8 và tháng 10/2014, công ty này còn nhập hơn 1.630 tấm panel LCD từ Công ty Hong Kong Konka (Trung Quốc).

 

Cũng trong năm 2014, Công ty TNHH điện tử Bảo Ngọc nhập hàng trăm tấm panel LCD từ Công ty Hong Kong Konka. Mặc dù là hàng mới 100% nhưng theo hồ sơ hải quan, số linh kiện này là hàng lỗi model có giá chỉ 17 – 30 USD/tấm.

Ngoài ra, theo điều tra của cơ quan chức năng thì từ năm 2016 đến nay xuất hiện hàng loạt công ty như: Trần Thoàn, Nguyên Tuấn, Khải Phong Sài Gòn, Nam Tiến, Việt Nhật… không chỉ nhập panel LCD mà còn nhập nồi cơm điện, máy xay sinh tố, bình thủy, lò nướng… từ Trung Quốc.

Đáng chú ý, có ba công ty thuộc Tập đoàn điện tử Asanzo Việt Nam cũng trực tiếp nhập hàng in sẵn nhãn hiệu này từ Trung Quốc.  Và họ không chỉ nhập hàng nguyên chiếc khai báo linh kiện, Asanzo còn gỡ tem ‘made in China’ rồi dán đè tem ‘xuất xứ Việt Nam’ lên sản phẩm bán ra thị trường.

Công nhân nhà máy Asanzo gỡ tem ‘made in China’ để xóa dấu vết hàng Trung Quốc. (Ảnh qua tuoitre)

Trao đổi với phóng viên, bà Tô Thị Thanh Tuyền (ngụ tại P.An Lạc A, Q.Bình Tân) cho hay, tháng 4/2019, bà có nhu cầu mua ti vi 32 inch hiệu Asanzo tại một cửa hàng Điện Máy Xanh ở Long An.

“Khi mua và thanh toán tiền xong, tôi có đề nghị nhân viên tại đây chứng kiến việc tôi mở ra xem thông tin về hàng hóa, linh kiện bên trong. Sở dĩ tôi làm như vậy là vì cách đây một năm, gia đình đã mua một cái về sử dụng nhưng rất mau xuống cấp. Ví dụ như hình ảnh không sắc nét, âm thanh không rõ…”, bà Tuyền kể.

Ti vi Asanzo 32 inches do bà Tuyền mua tại Điện Máy Xanh ở Long An. (Ảnh qua kienthuc)

CEO Asanzo thừa nhận sử dụng linh kiện Trung Quốc

Ông Phạm Văn Tam – Chủ tịch tập đoàn Asanzo là người từng khẳng định rằng tiền có thể hết nhưng chữ tín phải giữ và nếu người tiêu dùng quay đầu thì đây là bản án tử của doanh nghiệp.

Giờ đây, khi trao đổi với phóng viên về nghi vấn ‘Asanzo là hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam’, ông cho biết rằng việc Asanzo nhập các linh kiện từ Trung Quốc về để lắp ráp thành sản phẩm không có gì là mới. Tuy nhiên khi gắn nhãn, bao bì cũng như trong giấy bảo hành, Asanzo ý thức được việc đó nên chỉ ghi ‘Xuất xứ Việt Nam’ thay vì ‘Made in Việt Nam’ trên sản phẩm của mình.

Cũng theo vị chủ tịch và giám đốc công ty này, khoảng 1 năm trở lại đây, Asanzo đã không còn lắp ráp các mặt hàng điện gia dụng nữa mà giao nhóm ngành hàng này cho các công ty phụ trợ.

Ông Phạm Văn Tam, CEO Asanzo. (Ảnh qua vietnamnet)

“Công ty cho phép tất cả các DN được nhập khẩu hàng gia dụng mang nhãn hiệu Asanzo. Công ty không đăng ký bảo hộ mặt hàng điện gia dụng đối với hàng hóa nhập khẩu nhãn hiệu Asanzo. Vì vậy các DN nhập khẩu hàng nhãn hiệu Asanzo không vi phạm quyền sở hữu nhãn hiệu”, ông Lê Đình Lâm (giám đốc công ty) cho hay.

Theo đó, Asanzo đã từng có công văn gửi sang phía công an khẳng định công ty không bảo hộ thương hiệu của mình. Do vậy, trước vấn đề mà báo chí đặt ra liên quan đến nhãn mác thương hiệu, ông Tam cho rằng trong tập đoàn Asanzo có rất nhiều công ty con khác nhau, bộ phận nào làm sai thì đơn vị đó sẽ chịu trách nhiệm.

Vũ Tuấn (t/h)