Bức ảnh người phụ nữ làng chài chuẩn bị lưới trước ngày ra khơi của nhiếp ảnh gia Phạm Tỵ đã hút hồn độc giả của tạp chí địa lý Mỹ nổi tiếng National Geographic, nhưng cũng có nhiều độc giả bày tỏ bức xúc về vấn nạn “càn quét đại dương”.
Phạm Tỵ là nhiếp ảnh gia có duyên với những bức ảnh chụp ngư dân đan lưới. Giới nhiếp ảnh còn đùa vui phong cho anh là “thánh” chụp lưới.
Nổi tiếng nhất là bức ảnh anh chụp ngư dân vịnh Vĩnh Huy đan lưới đã đoạt Giải thưởng quốc tế Smithsonian (Mỹ) 2014, nhận được nhiều lời khen ngợi như một khám phá mới về vẻ đẹp ngư dân biển Việt Nam.
Có thể thấy rằng, sau thành công của bức ảnh rộ lên một cơn “sốt nhẹ” về sự bùng nổ những bức ảnh chụp ngư dân đan lưới ở Việt Nam.
Ngày 8/3, National Geographic bình chọn một bức ảnh phụ nữ vá lưới của Phạm Tỵ làm ảnh đẹp trong ngày. Bức ảnh nhận được nhiều sự trầm trồ khen ngợi.
Những độc giả National Geographic còn kêu gọi hãy đến Việt Nam du lịch. Tuy nhiên, không ít độc giả của tạp chí này phản ứng về vấn đề bảo vệ môi trường nhìn từ bức ảnh.
Độc giả Jen Mrsdoubleemm bày tỏ quan điểm: “Tôi không thấy vẻ đẹp nào ở bức ảnh này. Nó là một cái nhìn về lòng tham của con người và sự hủy diệt môi trường sinh thái đại dương”.
Một độc giả khác là Eddie Phart đồng tình: “Nó càn quét đại dương”.
Lý do phản ứng ở đây là lưới trong bức ảnh là loại có mắt lưới nhỏ, khi đánh bắt sẽ cào sát đáy biển không bỏ sót một sinh vật lớn bé nào.
Những độc giả nước ngoài xem đó là cách đánh bắt hủy diệt môi trường sinh thái biển.
Lynne Stilwell phân tích: “Bức ảnh này có thể đẹp về màu sắc, nhưng loại lưới (trong bức ảnh) sẽ càn quét tất cả sinh vật mà lẽ ra không nên. Nó nguy hiểm cho môi trường sinh thái đại dương!”.
Với họ, việc đánh giá bức ảnh đẹp có nghĩa là đồng lõa với cách đánh bắt hủy diệt.
Qua trao đổi, Phạm Tỵ cho biết lúc bức ảnh Đan lưới của anh đoạt Giải Smithsonian 2014, cũng có những ý kiến như vậy nhưng ít hơn lần này.
“Độc giả của National Geographic là những người có ý thức bảo vệ môi trường rất cao. Cho nên phản ứng của họ là điều dễ hiểu” – Phạm Tỵ nhìn nhận.
Tuy nhiên, anh cũng “kêu gọi” sự giúp đỡ trên trang cá nhân: “Một số bạn nước ngoài rất e dè và lo ngại, thậm chí lên án cách đánh bắt này vì mắt lưới quá nhỏ có thể tận diệt môi trường biển. Mình có thể giải thích cho họ hiểu nếu mắt lưới này dùng để đánh bắt luồng cá nhỏ như cá cơm để làm nước mắm…”.
Có những ý kiến từ phía độc giả Việt Nam cũng đồng tình rằng lưới này chỉ đánh bắt cá cơm nên không ảnh hưởng đến môi trường.
Facebooker Ngọc Thái lý giải thêm: “Đây là lưới polyethylene được làm từ nhựa và cao su của Nhật Bản, đưa vào Việt Nam từ những năm 1980. Loại lưới này dùng để đánh bắt các loại thủy sinh nhuyễn thể như ngao, sò và một số loài thủy sản nhỏ như khuyếc (moi) cá cơm, cá mờm…
Các bạn nước ngoài có trình độ đánh bắt tiên tiến, vả lại do đặc điểm khí hậu và công nghệ đánh bắt nên họ không dùng đến loại lưới này”.
Một người khác là Kenny Đông cho biết: “Loại lưới này hình như chỉ có ở châu Á, mà bắt đầu là Nhật Bản. Họ bị phản ứng dữ dội, tàu cá của họ bị giam giữ ở Alaska (Mỹ), Na Uy… Gần đây Trung Quốc cũng sử dụng lưới này và bị tuần dương Alaska phạt nặng lắm!”.
Chia sẻ với Phạm Tỵ, Chris R.Ainsworth – một độc giả National Geographic – viết: “Làm sao có thể bảo người chụp ảnh ngăn ngư dân lại và tiêu hủy loại lưới đó?”.
Dù vậy, nhiếp ảnh gia Phạm Tỵ cũng rất cầu thị: “Giữa vẻ đẹp bức ảnh và thực tế bảo vệ môi trường là hai câu chuyện khác nhau. Tuy nhiên, tôi cũng sẽ tham khảo rất kỹ ý kiến mọi người trước khi có sự trả lời với độc giả National Geographic”.
Theo tuoitre.vn