Mang trong mình căn bệnh tâm thần nhưng người đàn ông ở cái tuổi bên kia sườn dốc cuộc đời đã chấp nhận hy sinh hạnh phúc của mình để chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ và dạy chữ cho… đứa em gái bị điên suốt 40 năm qua.
Người khùng ít nuôi người khùng nhiều
Bất chấp cái nắng cháy da giữa trưa tháng 2, men theo con đường làng quanh co, chúng tôi tìm đến thăm gia đình hai anh em chú Văn Đức Thiên (SN 1958) và cô Văn Thị Thúy (SN 1969), trú thôn 3, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, Quảng Nam.
Ngôi nhà nhỏ của anh em chú “Thiên dở” nằm nép mình khiêm tốn trên một đồi cát bị bịt kín lối ra vào, xung quanh vắng vẻ, tĩnh mịch lạ thường. Nhìn quanh nhà trống hơ trống hoác, chẳng có nổi vật gì đáng giá tiền chục…
Người anh tâm thần nuôi em gái bị điên suốt 40 năm khiến nhiều người cảm động…
Thôn 3 vốn là một trong những làng quê nghèo nhất nhì của một xã thuộc loại “khổ” của huyện Thăng Bình. Thế nhưng, chính những người dân nơi đây cũng phải giật mình xót xa khi nhắc về gia cảnh oặt ẹo của hai anh em chú Thiên…
Anh tâm thần 40 năm nuôi em gái bị điên. Thực hiện: Hà Nam
Dân làng cho biết, bất kể ngày nắng hay mưa, “chú Thiên dở” đều lang thang khắp nơi kiếm củi hoặc hái rau dại để nấu cơm. Lúc chúng tôi đến, chỉ có cô Thúy ở nhà, thấy người lạ, cô Thúy trùm mềm, núp kỹ trong nhà, chân tay run lập cập.
Dù bị bệnh tâm thần nhưng với “bản năng sinh tồn”, hàng ngày chú Thiên vẫn đi nhặt củi, hai rau để nấu cơm và chăm sóc cho đứa em gái bị điên.
Tôi hỏi, những lúc tỉnh táo thì chăm lo cho cô Thúy, còn những lúc chú trở bệnh thì làm sao. Đưa mắt nhìn em gái, chú Thiên cười buồn: “Ráng chịu chớ biết sao bây chừ”.
Quá trưa, chú Thiên trở về, trên tay ôm khư khư bó củi chạy vào nhà. Mặc kệ chúng tôi đứng nhìn, vứt đống củi xuống đất, chú vào nhà lấy gạo cùng chiếc nồi cũ kỹ đem ra giếng. Không cần vo đãi, chú đổ nước rồi bắc ngay lên bếp hì hục thổi lửa. Vừa nấu cơm, chú Thiên vừa cắt quả đu đủ hái ở trước nhà ra để luộc. Bữa cơm nấu vội của gia đình “chú Thiên dở” được dọn khi đồng hồ đã điểm gần 14 giờ chiều.
Cả xóm nói chú Thiên ngố, khờ khạo, làm gì cũng lầm lì, ít nói chuyện với ai nên cũng hiếm có ai tiếp xúc nhiều với chú. Thế nhưng, khi lo cơm nước xong xuôi, chú Thiên quay sang niềm nở tiếp chuyện chúng tôi và lấy ra xấp giấy chứng nhận bệnh tâm thần của 2 anh em được gói ghém cẩn thận trong bao nilông với hi vọng được giúp đỡ…
Những bữa cơm bữa sống, bữa khê, bữa nhão của chú Thiên đã nuôi nấng cô Thúy suốt 40 năm nay
Chú Thiên và cô Thúy sinh ra trong một gia đình nghèo. Cha mẹ mất sớm, năm 25 tuổi, chú Thiên cũng đột nhiên phát bệnh tâm thần.
Trước đây, vốn học rất giỏi, nhưng do liên tiếp chịu những cú sốc từ gia đình khi cha mẹ qua đời vì bạo bệnh, năm lên 10 tuổi, cô Thúy cũng phát điên và từ đó được người anh trai cũng “dở dở ương ương” cưu mang, chăm sóc…
Khi được hỏi về ước mơ của mình, đôi mắt đỏ hoe của chú Thiên chỉ trực trào lệ: “Chừ tôi chỉ ước sao cho bệnh của em gái ngày càng nhẹ hơn là tôi mãn nguyện rồi”.
Do bệnh tật không thể làm việc gì, hàng chục năm nay, cuộc sống của hai anh em chú Thiên chỉ biết trông chờ vào số tiền trợ cấp cho người tâm thần hàng tháng. Nhà có mảnh vườn nhỏ, chú Thiên trồng được vài cây đu đủ và rau để ăn qua ngày… Những khi túng bấn thì bà con hàng xóm thương tình cho anh em chú thêm chút gạo, mắm muối cầm đói.
Dạy chữ cho… người điên
Dù cô Thúy bị bệnh tâm thần phân liệt nhưng vì muốn em gái hết bệnh nên hằng ngày chú Thiên thường mang sách vở ra dạy chữ cho em. Tuy nhiên, cứ mỗi lần thấy anh “dạy học” là cô Thúy cứ nhắm nghiền mắt lại, miệng lẩm bẩm đọc chữ theo anh.
Hằng ngày chú Thiên đều kiên nhẫn dạy chữ cho em gái…
Tuy nhiên cứ mỗi lần thấy anh “dạy học” là cô Thúy lại nhắm nghiền mắt lại…
“Bản thân tôi mắc bệnh tâm thần năm 25 tuổi nhưng nhờ kiên trì đọc sách báo và ngồi thiền đều đặn mỗi ngày mà nay bệnh tình đã thuyên giảm rất nhiều. Thương em gái bệnh tật nên suốt mấy chục năm nay tôi quyết định ở vậy để chăm sóc em.
Từ nhỏ đến giờ, mọi sinh hoạt từ ăn uống, ngủ nghỉ đến vệ sinh cá nhân của hắn đều do một tay tôi lo hết. Tôi thì chịu cực khổ quen rồi, chỉ tội nghiệp cho Thúy hằng ngày phải sống thui thủi trong cơn đói khát. Từng tuổi này, người ta có cháu nội, cháu ngoại để bế bồng cả rồi còn hắn thì suốt ngày chỉ biết quanh quẩn bên cái giường, cười cười nói nói như người vô hồn…”, chú Thiên vừa “dạy chữ” cho em vừa buồn bã tâm sự.
Theo nhiều người dân địa phương cho biết, thời trai trẻ, dù mắc bệnh tâm thần nhưng ở dạng nhẹ và do tính tình hiền lành, chịu khó lại đẹp trai, hay chữ nên có rất nhiều cô gái trong làng đến xin được theo chú Thiên về làm vợ.
Thế nhưng chú lại chấp nhận hy sinh hạnh phúc cá nhân của mình, quyết không lập gia đình, ở vậy để chăm sóc cho đứa em gái điên dại gần nửa thế kỷ nay.
Theo chú Thiên, cây đu đủ trước nhà là “ân nhân” quanh năm “cứu đói” cho hai anh em chú
Ông Nguyễn Ba, Chủ tịch UBND xã Bình Triều chia sẻ: “Gia đình ông Thiên là hộ nghèo đặc biệt của xã. Dù bản thân cũng bị tâm thần nhưng mấy năm nay có phần thuyên giảm, cũng may trời xui đất khiến thế nào hay có lẽ do bản năng sinh tồn mà suốt mấy chục năm nay ông Thiên đã cưu mang, chăm sóc cho đứa em gái điên dại của mình. Nhiều người khuyên ông nên gửi bà Thúy vào bệnh viện tâm thần để lấy vợ, sinh con nhưng ông Thiên không chịu. Tấm lòng của ông Thiên khiến người dân địa phương rất cảm động…”.
Sợ em gái đi lạc mỗi lúc mình vắng nhà, chú Thiên đã viết những dòng chữ này lên tường…
Rồi đây, số phận của hai anh em chú Thiên sẽ ra sao khi mà cái đói cái nghèo, bệnh tật cứ mãi đeo bám dai dẳng.
Vượt lên tất cả sự nghiệt ngã của số phận và trên hết là bằng nghị lực cùng tình thương cao cả của một người anh, bao năm qua chú Thiên vẫn sống và lao động một cách thầm lặng để chăm sóc cho đứa em gái tội nghiệp của mình…
Tổng Hợp