Người dân đi lại trên các tuyến đường có công trình đường sắt đô thị trên cao Hà Nội luôn lo lắng, “tim đập, chân run” bởi ẩn họa cứ lơ lửng treo trên đầu, có thể giáng xuống bất kể lúc nào.
Hôm qua (12.5) đã có 2 vụ tai nạn liên quan đến dự án đường sắt đô thị Hà Nội: Khoảng 9h30 sáng, một thanh sắt dài hơn 1m rơi xuống đường trúng ô tô tại công trình đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông và đến 16h30 chiều, cần cẩu thi công tuyến metro Nhổn – ga Hà Nội đổ sập xuống 2 nhà dân trên đường Cầu Giấy, khiến 1 thai phụ bị thương.
Trước đó – ngày 10.5, cũng tại công trường thi công tuyến metro Nhổn – ga Hà Nội (trên đường Hồ Tùng Mậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội), một thanh sắt dài hơn 10m, nặng 630kg rơi xuống phần đường dành cho người tham gia giao thông.
Sau những vụ tai nạn, có người may mắn thoát chết trong gang tấc, nhưng cũng đã có người không thoát khỏi “tử thần” như vụ xảy ra trên đường Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội) ngày 6.11.2014, một bó sắt dài 7m đang được cẩu trên cao thì đứt cáp, làm 1 người tử vong, 4 người bị thương.
Đã có những quyết định đình chỉ, tạm dừng thi công, đánh giá lại toàn bộ công tác đảm bảo an toàn thi công; kiểm điểm, giáng chức, cảnh cáo một số cán bộ, nhưng những sự cố vẫn liên tiếp xảy ra, gây lo sợ cho người đi đường khi “tử thần” vẫn treo lơ lửng trên đầu.
Hình ảnh chúng tôi ghi lại những chiếc cần cẩu tiềm ẩn nguy hiểm cho người đi đường tại Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, đoạn Nhổn – ga Hà Nội:
Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP.Hà Nội, đoạn Nhổn – ga Hà Nội là dự án đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn Hà Nội. Dự án có tổng nguồn vốn vay ODA trị giá 783 triệu euro. Trong ảnh: Công trường đường trên tuyến Xuân Thủy – Cầu Giấy (Hà Nội).
Tuyến đường sắt này có chiều dài 12,5km, với 9,6km đi trên cao và 2,9km đi ngầm, có 11 ga trên cao, 4 ga dưới ngầm. Tàu sẽ lưu thông trên tuyến đường này với tốc độ 80km/h, tàu có chiều dài từ 19-20m. Trong ảnh: Công trường trên tuyến Nhổn – Hồ Tùng Mậu (Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Những cần cẩu có cần dài khoảng 30-40m làm việc ngay cạnh dòng người qua lại, ngăn cách giữa công trường và dòng người bằng những tấm tôn được quây sơ sài. Trong ảnh: Công trường trên đường Xuân Thủy – Cầu Giấy (Hà Nội) ngày 12.5.
Cần cẩu cao ngất ngưởng là mối nguy hiểm thường trực hằng ngày của người tham gia giao thông.
Người đi đường luôn lo ngại khi phải vượt qua “ma trận” cần cẩu đang hoạt động trên đầu.
Tuyến đường Xuân Thủy – Cầu Giấy (Hà Nội) luôn có rất nhiều phương tiện qua lại, nhất là vào giờ cao điểm.
Cần cẩu dài 30-40m tại tuyến Nhổn – ga Hà Nội trên đường Hồ Tùng Mậu.
Một đoạn đường ngắn khoảng 100m, nhưng có đến 3-5 chiếc cần cẩu như một “cái bẫy” rình người đi đường.
Ngăn cách giữa công trường và dòng người bằng những tấm tôn. Nếu cần cẩu đổ xuống, hàng rào ngăn cách khó có khả năng chống đỡ. Công trường đang tạm dừng thi công vì trước đó ngày 10.5, một thanh sắt dài 9m, nặng 630kg rơi xuống phần đường dành cho người đi đường.
Cận cảnh một phần trụ của cần cẩu được kê bằng những khối bê-tông. Cần cẩu rất bị dễ đổ xuống nếu như va phải một vật nào đó khi nó đang hoạt động, như vụ cần cẩu đổ xuống nhà dân vào chiều hôm qua (12.5).
Trên công trường đường sắt đô thị Hà Nội đoạn Nhổn – ga Hà Nội có rất nhiều tấm biển xin lỗi đã làm phiền người dân của các nhà thầu.
Một tấm biển quy định an toàn lao động đối với cán bộ, công nhân được treo trước cửa vào công trường.
Chiều 12.5, theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết các công đoạn đều được một kỹ sư đứng quay, giám sát. Ngay sau vụ tai nạn chiều hôm qua, đại diện Ban quản lý dự án metro Hà Nội cũng cho hay, lãnh đạo thành phố chỉ đạo sẽ dừng toàn bộ dự án, bao gồm tất cả các nhà ga của các nhà thầu trên toàn tuyến, để kiểm tra loại bỏ những thiết bị kém chất lượng.
|
Theo Dân Việt