Tinh Hoa

Anh, Pháp chiếm vị trí cao nhất về kinh tế của EC

Anh và Pháp giành được 2 vị trí cao nhất trong đội ngũ hoạch định chính sách kinh tế  và tài chính mới được bầu của Ủy ban Châu Âu (EC), cơ quan có vai trò tìm kiếm giải pháp phục hồi tăng trưởng và chống thất nghiệp cho 28 nước thành viên.

Ông  Jean-Claude Juncker, Chủ tịch mới của Ủy ban Châu Âu (EC).

Cựu Bộ trưởng Tài chính Pháp Pierre Moscovici sẽ trở thành tân Ủy viên Kinh tế, với một trong những trọng trách là hoạch định về ngân sách cho các quốc gia thành viên. Ông Pierre Moscovici cũng từng lên tiếng chỉ trích các chính sách thắt lưng buộc bụng của EU và kêu gọi hướng tới một lập trường về tăng trưởng mang tính thân thiện hơn.

Anh cũng giành được vị trí chủ chốt trong nội các mới của EC. Quốc gia này có xu hướng ngày càng hoài nghi những quyết sách của EU (eurosceptic) và tuyên bố sẽ tiến hành đàm phán lại những điều khoản về chức danh thành viên của mình trong khối. Jonathan Hill, cựu Chủ tịch Thượng viện Anh sẽ phụ trách quản lý các dịch vụ tài chính của EU, đây cũng là một trong những ngành quan trọng của Vương Quốc Anh.

Trong lễ ra mắt đội ngũ mới của EC hôm Thứ Tư tại Brussels, chủ tịch mới đắc cử Jean-Claude Juncker cam kết, EC sẽ có những hoạt động tích cực nhằm kích thích tăng trưởng, giảm quan liêu và khôi phục lại niềm tin của người dân đối với EU. Ông Juncker và các ủy viên mới của EC sẽ bắt đầu đảm nhiệm chức vụ vào tháng 11 tới.

Các ủy viên mới được bổ nhiệm sẽ trải qua phiên điều trần tại Nghị viện Châu Âu trong những tuần tới. Các nhà lập pháp không thể phế truất đích danh ủy viên hội đồng nào, nhưng có thể gây trở ngại cho toàn bộ nội các.

Việc đề cử Bộ trưởng Tài chính Pháp Moscovici vào vị trí chủ chốt về kinh tế của EU cũng vấp phải sự phản đối từ một số nước, đặc biệt là Đức, do Pháp đã không đáp ứng được quy định bắt buộc về thâm hụt của EU khi ông này đương nhiệm. Trong khi đó, nhiệm vụ chính của vị trí trên là phải hoạch định chính sách chống thâm hụt ngân sách cho cả khối. Tuy nhiên, Pháp  hôm thứ Tư (10/9) cũng cho biết sẽ không đạt được mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống dưới mức trần 3%GDP xuyên suốt từ nay cho đến năm 2016.

Thủ tướng Đức, bà  Angela Merkel cho rằng “kỷ luật chi tiêu nghiêm ngặt” vẫn rất cần thiết.

Tỷ lệ thất nghiệp trong khối euro vẫn còn ở mức cao là 11,5% trong khi GDP chỉ tăng 0,2% trong quý II.

Bên cạnh đó, cựu Bộ trưởng Kinh tế của Đan Mạch, bà  Margrethe Vestager sẽ trở thành giám đốc chống độc quyền của khối. Bà Cecilia Malmstroem người Thụy Điển, hiện là Ủy viên Nội vụ EU sẽ phụ trách thương mại, giám sát các cuộc thương lượng về các hiệp định thương mại tự do, ví dụ như một thỏa thuận đang được Mỹ và châu Âu đàm phán.

Hồ Duyên@Tinhhoa.net – Theo News.yahoo.com