Tinh Hoa

Ảnh hiếm: “Mục sở thị” công trình Trung Quốc xây trên bãi đá Gạc Ma

Vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua, PV báo Thanh Niên đã tiếp cận bãi đá Gạc Ma ở Trường Sa và chụp được loạt ảnh về các công trình do Trung Quốc xây dựng tại đây.

Toàn cảnh đá Gạc Ma, từ khoảng cách 5km.

Đá Gạc Ma là rạn san hô thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa, nằm cách đảo Cô Lin của Việt Nam khoảng 7km về phía Đông Nam và bị Trung Quốc chiếm đóng từ ngày 14/3/1988.

Ngay sau khi chiếm đóng bãi đá Gạc Ma, phía Trung Quốc đã xây dựng điểm đồn trú gồm 3 kết cấu hình bát giác nằm trên cọc gỗ.

Đến đầu năm 1989, Trung Quốc đã hoàn thiện lô cốt xi măng cao 2 tầng và củng cố dần thành nhà bê tông 4 tầng với tường chắn sóng, tháp canh, các thiết bị thông tin liên lạc.

Tòa nhà trung tâm sơn màu trắng với các khẩu hiệu chữ đỏ.

Từ năm 2014, phía Trung Quốc tập trung tàu thuyền, phương tiện cơ giới hiện đại nạo vét san hô, chuyên chở vật liệu từ bờ, hút nghiền đá san hô thành cát, phun lên làm nền để xây công trình, đường sá, bến tàu, sân bay nhỏ và các hạng mục kiên cố khác tại Gạc Ma.

Đến giữa năm 2015, phía Trung Quốc đã hoàn tất các hạng mục xây dựng cơ bản, như: tòa nhà trung tâm (Sở Chỉ huy) cao 7 tầng có đường dẫn cho xe cơ giới lên thẳng tầng 2, phía trên tầng 7 có thêm đài quan sát cao 3 tầng; các cột ra đa tầm xa, đài kiểm soát không lưu và các tòa nhà chức năng 2-3 tầng.
Từ tầng 1 đến tầng 4 của tòa nhà được xây kín với đường chạy xe dẫn từ dưới lên, để giấu mọi hoạt động diễn ra bên trong.

Đặc biệt, cuối tháng 5/2015, phía Trung Quốc khởi công xây dựng hải đăng đa năng cao 50m, đường kính 4,5m và đến đầu tháng 10/2015 thì hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Trong chuyến công tác tại quần đào Trường Sa cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua, PV báo Thanh Niên đã có dịp tiếp cận sát bãi đá Gạc Ma và ghi nhận các công trình do Trung Quốc xây dựng tại đây.

Ngọn hải đăng đa năng cao 50m, đường kính 4,5m sừng sững trước nhà trung tâm.
Hệ thống điện gió cung cấp một phần năng lượng và một số xe cẩu, xe công trình vẫn đang thực hiện các công đoạn xây dựng công trình ngầm, nổi trên bãi đá.
Cộng ăng ten thu phát sóng bao phủ cả khu vực cụm đảo Sinh Tồn.
Các tổ hợp pháo hạm, pháo phòng không mọc lên ở các vị trí.
4 tổ hợp ra đa tầm xa làm nhiệm vụ quan sát và dẫn đường cho máy bay.
Khối lượng cát chuẩn bị cho việc xây dựng tiếp theo, được tập trung ở khu vực phía bắc bãi đá.
Pháo hạm đặt trên nóc nhà làm việc của binh lính.
Hai tàu hộ vệ tên lửa và hải giám của Trung Quốc tại bãi đá Gạc Ma.
Gạc Ma buổi chiều, ngọn hải đăng và đèn điện bật sáng trưng, nhìn xa như thành phố nổi.

Theo Thanh Niên