Hôm 25/11, tại Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Anh bất ngờ yêu cầu được tham dự cuộc tranh chấp pháp lý trên biển Đông giữa Philippines-Trung Quốc với tư cách quan sát viên, không lâu sau khi London tiếp đón nồng hậu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Phái đoàn Philippines tại Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague đã tập trung phản biện những tuyên bố hung hăng của Trung Quốc về khu vực tranh chấp ở biển Đông trong ngày thứ hai của phiên điều trần bắt đầu hôm 25/11, đồng thời tố Bắc Kinh liên tục kéo dài vụ kiện.
Luật sư Andrew Loewenstein của Philippines chỉ rõ, Bắc Kinh không thỏa mãn bất cứ điều kiện nào trong 3 điều kiện thiết lập quyền lịch sử của cái mà nước này gọi là đường 9 đoạn (đường lưỡi bò).
Một vị luật sư khác của Philippines, giáo sư Philippe Sands khẳng định, đá Vành Khăn, Cỏ Mây, Xu Bi, Gaven… là những thực thể ngập dưới nước khi thủy triều lên nên không có lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hay thềm lục địa theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Phía Philippines cũng nhấn mạnh rằng điều 121 trong UNCLOS không thừa nhận các bãi đá có quyền hàng hải bất chấp hoạt động xây dựng của Trung Quốc.
Phiên điều trần đầu tiên này dự kiến kéo dài đến ngày 30/11 dù cho Trung Quốc không tham dự. Tuy nhiên, một diễn biến bất ngờ xảy ra hôm 25/11 khi Anh chính thức yêu cầu được tham dự cuộc tranh chấp pháp lý trên biển Đông này với tư cách “quan sát viên trung lập”.
Bộ Ngoại giao Anh cho biết, động thái ngoại giao này chỉ là một sự can dự thông thường vào các vấn đề hàng hải quốc tế.
Trong khi đó, báo Guardian nhận định, việc Anh đưa ra quyết định này không lâu sau khi tiếp đón nồng hậu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 10, làm dấy lên suy đoán rằng Bắc Kinh đề nghị London nhúng tay giữa lúc nổi lên nguy cơ căng thẳng về quân sự xung quanh vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông.
Hiện phiên tòa chỉ có các quan sát viên từ Nhật Bản, Singapore, Úc, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Mỹ trước đó từng xin được tham dự với tư cách quan sát viên nhưng đã bị từ chối vì không liên quan đến tranh chấp lãnh thổ.
Dù vậy,trang tin Inquirer.net dẫn lời Đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg hôm 26/11 nhấn mạnh, Washington sẽ tiếp tục các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải tại biển Đông. Điều này thể hiện rõ qua việc chiến hạm tuần duyên USS Milwaukee của Mỹ bắt đầu khởi hành đến biển Đông để tham gia vào nhiệm vụ tuần tra thường xuyên của hải quân Mỹ ở khu vực này.
Theo Người Lao Động