Tinh Hoa

Angola có tổng thống mới sau 38 năm: Nghịch lý dân số trẻ, lãnh đạo già ở châu Phi

Hôm 23/8, người dân Angola đã tiến hành một kỳ bầu cử đặc biệt, khi lần đầu tiên trong suốt 38 năm ông Jose Eduardo Dos Santos không còn là tổng thống. Điều này cho thấy một nghịch lý ở châu Phi: Dân số trẻ, lãnh đạo già.

Tổng thống Angola Dos Santos sẽ từ chức sau 37 năm cầm quyền. (Ảnh: Twitter)

Kỷ lục chờ bị phá

Đảng cầm quyền Phong trào Nhân dân giải phóng Angola (MPLA) của ông Dos Santos đã lãnh đạo nước này từ năm 1975, sau khi nước này giành độc lập từ Bồ Đào Nha.

Nắm quyền từ tháng 9/1979, ông Dos Santos có 38 năm cầm quyền liên tục. Nếu làm tổng thống Mỹ, tức vị lãnh đạo 74 tuổi này đã làm hơn… 9 nhiệm kỳ.

Năm 2016, ông Dos Santos đã công bố quyết định sẽ không tiếp tục tranh cử cho nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo, sau một cuộc họp kín của Ủy ban Trung ương Đảng MPLA.

Đối với người dân Angola, việc ông Dos Santos lãnh đạo đất nước đã gần như là điều hiển nhiên, dẫu không phải không có tranh cãi.

Việc không tiếp tục điều hành đất nước khiến ông Dos Santos không thể xác lập kỷ lục mới, khi còn kém thời gian ông Teodoro Obiang Nguema, Tổng thống Guinea Xích Đạo (Equatorial Guinea) đúng một tháng.

Nhưng theo đánh giá của AFP, ông Dos Santos sẽ sớm rời khỏi vị trí thứ hai trong danh sách những lãnh đạo “trị vì” lâu nhất tại châu Phi. Đơn giản vì lục địa đen là nơi quá quen với chuyện lãnh đạo chỉ tính thời gian bằng… thập kỷ.

Tại Zimbabwe, ông Robert Mugabe đã làm tổng thống từ tháng 4/1980 tới nay, tức đi một mạch 37 năm từ ngày nước này tuyên bố độc lập.

Ông Mugabe năm nay 92 tuổi, cũng là vị lãnh đạo cuối cùng ở châu Phi còn điều hành đất nước từ ngày độc lập.

Và nếu không là ông Mugabe thì vị trí thứ hai của ông Dos Santos cũng còn khá nhiều người có thể cạnh tranh như Tổng thống Cameroon Paul Biya (35 năm), Tổng thống Congo Denis Sassous Nguesso (33 năm không liên tục)…

Ngắn hơn chút, các lãnh đạo có số năm điều hành ở “hàng hai” của các nước châu Phi cũng không hiếm.

Có thể kể đến là Tổng thống Sudan Omar al-Bashir (28 năm), Tổng thống Cộng hòa Chad Idriss Deby (27 năm), Tổng thống Eritrea Isaias Afewerki (24 năm)…

Giải thích nghịch lý

Với tính chất đặc biệt của những cuộc chiến tranh, những cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, châu Phi là một vùng đất của những “vị vua già”, và một lực lượng dân rất trẻ.

Tổng thống Angola Jose Eduardo Dos Santos phát biểu ngày 19-8, (Ảnh: AFP)

Độ tuổi trung bình của người dân các nước châu Phi chỉ 19,5, trong khi với các lãnh đạo thì chỉ số ấy là 65.

Một thống kê thú vị năm 2015 cho biết: 85% người Angola chưa được sinh ra vào thời điểm ông Dos Santos làm tổng thống; 83% dân số Zimbabwe sinh ra sau ngày ông Mugabe nắm quyền; 79% người Uganda chưa cất tiếng khóc chào đời khi ông Museveni chính thức điều hành đất nước.

Khá nhiều cách giải thích cho nghịch lý này. Đầu tiên là yếu tố lịch sử. Những cuộc chiến giải phóng dân tộc tạo cho các lãnh đạo một hình ảnh “người mạnh mẽ”, như cách báo Guardian diễn tả trong một bài viết năm 2016.

Còn nói như BBC, việc ông Dos Santos chọn Bộ trưởng Quốc phòng Joao Lorenco làm người tiếp quản Angola là một bước ngoặt, vì đất nước này phần lớn người dân không một ai biết tới khái niệm “tổng thống” nào khác ngoài Dos Santos.

Ở châu Phi, các lãnh đạo mang ý nghĩa như những người cha của dân tộc.

Điều đó kéo theo lý do thứ hai, các nước châu Phi không thể thay lãnh đạo vì khoảng cách thế hệ, địa vị quá lớn.

Chủ nghĩa hưởng thụ, thách thức từ thời đại mới khiến người trẻ châu Phi ít nghĩ đến chuyện chính trị. Trong khi đó các gia đình, thân hữu của lãnh đạo thường sẽ giúp họ tiếp tục chi phối quyền lực.

Ví dụ con gái của ông Dos Santos – bà Isabel Dos Santos – được tạp chí Forbes cho là người phụ nữ giàu nhất châu Phi.

Trong khi cậu con trai Jose Filomeno của ông Dos Santos cũng giữ vị trí đứng đầu quỹ đầu tư tối cao được xây dựng để đổ tiền vào ngành năng lượng Angola, theo BBC.

Theo Tuổi Trẻ