Ngày 10/10, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) lại tiếp tục phát sóng các trận đấu của Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia (NBA). Điều đáng nói là, ĐCSTQ đã cấm NBA gần một năm qua. Nhiều người thắc mắc, nguyên nhân phía sau sự đảo ngược thái độ của ĐCSTQ là gì?
Tháng 10/2019, Daryl Morey – tổng Giám đốc của đội Bóng rổ Houston Rockets tại Hoa Kỳ, đã đăng một bức ảnh lên Twitter với dòng chữ: “Chiến đấu vì tự do, ủng hộ cùng Hồng Kông”, nhằm lên tiếng ủng hộ cho phong trào “chống dự luật dẫn độ” của Hồng Kông. Dòng tweet ngay lập tức đã gây ra một cuộc khủng hoảng kinh doanh lớn nhất của NBA tại Trung Quốc.
Các nền tảng truyền thông bao gồm kênh thể thao CCTV – 15 và sports.qq.com… đều đã đình chỉ việc sắp xếp phát sóng các mùa giải đấu của NBA. Nhiều công ty và đơn vị Trung Quốc cũng lần lượt rút vốn, các kênh thương mại điện tử cũng đã xóa bỏ các sản phẩm liên quan đến NBA. ĐCSTQ làm tất cả những điều trên chỉ để buộc Morey phải lên tiếng công khai xin lỗi vì đã ủng hộ Hồng Kông.
Theo báo cáo của tờ Chicago Tribune, thị trường Trung Quốc chiếm 10% doanh thu hàng năm của NBA, và hàng loạt các hành động trả đũa của ĐCSTQ đã khiến doanh thu của NBA bị tổn thất nghiêm trọng.
Khi đó, các ngôi sao NBA nổi tiếng như James, Harden vv… đã phải lên tiếng xin lỗi Trung Quốc. Các quan chức NBA cũng đưa ra tuyên bố, cho rằng nhận xét của Morey là không phù hợp. Nhưng những sự nhượng bộ trên dường như chưa thể xoa dịu sự phẫn nộ của chính quyền Trung Quốc. Bộ ngoại giao Bắc Kinh liên tục có những động thái chống lại NBA, thậm chí các công ty Trung Quốc cũng đã cắt đứt liên hệ thương mại với các đội của NBA.
MẶc dù vậy, Morey vẫn không chịu xin lỗi. Chủ tịch NBA là Adam Silver đã bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với Morey và nói rằng: Anh ấy thích tự do ngôn luận.
Hành động này của ĐCSTQ đã khơi dậy sự bất mãn của mọi tầng lớp xã hội ở Hoa Kỳ, bao gồm cả Phó Tổng thống Mike Pence, Thượng nghị sĩ Rubio và các chính trị gia khác, họ đều lên án ĐCSTQ vì hành vi chà đạp lên quyền tự do ngôn luận. Kết quả là CCTV cũng tuyên bố tạm dừng việc phát sóng các trận đấu của NBA.
Qua Bích Đông – một học giả độc lập về Trung Quốc tin rằng, những gì ĐCSTQ đã thể hiện từ việc cấm đến khi nối lại các chương trình phát sóng của NBA, là do chính quyền đã vũ khí hóa lợi ích thương mại, trực tiếp can thiệp vào quyền tự do ngôn luận, tác động đến các giá trị dân chủ của Mỹ.
Qua Bích Đông nói: “Cho đến ngày nay, cộng đồng quốc tế đã nhìn thấu bản chất tà ác của ĐCSTQ. Làn sóng diệt ĐCSTQ trên thế giới đã hình thành. Trong bối cảnh quốc tế như hiện nay, ĐCSTQ đã có những động thái nhỏ như nối lại phát sóng giải NBA nhằm lấy lòng cộng đồng quốc tế. Điều đó không chỉ không phải là sự ăn năn, hối lỗi của ĐCSTQ, mà còn là hệ giá trị và bản chất xấu xa của nó về cơ bản vẫn không thay đổi.”
Bích Đông cho rằng, các hành động của ĐCSTQ như việc chặn NBA và ngăn người Trung Quốc kết nối Internet với cộng đồng quốc tế, đã thể hiện cho cộng đồng quốc tế thấy được bản chất độc tài toàn trị của nó.
Cao Du – cựu phóng viên Tân Hoa Xã và là người có thâm niên trong ngành truyền thông nhận định: Một số công ty lớn như NBA và Hollywood đều muốn lấy lòng ĐCSTQ để phục vụ cho lợi ích riêng của họ. Tại Hoa Kỳ, các công ty này thực sự đang hoạt động chống lại chính quyền Trump. Trong hoàn cảnh đó, ĐCSTQ đã nối lại việc phát sóng các chương trình của NBA với mục đích là muốn Biden – một người rất thân thiết với ĐCSTQ, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11 tới.
Cao Du cho rằng: “Bây giờ nó đột ngột như thế này, tôi cho rằng là vì để tạo động lực cho Đảng Dân chủ và tạo động lực cho nhóm của Biden. Loại thủ đoạn này của ĐCSTQ, nó “lật tay làm mây lật lại tay làm mưa”, nó có thể ngừng phát sóng NBA, nó cũng có thể khôi phục. Nguyên tắc của nó là để Trump thua. Tôi nghĩ nguyên tắc của nó chính là như thế”.
Trên thực tế, thứ hạng của giải vô địch NBA năm nay đã nhiều lần lập kỷ lục thấp. Chủ tịch NBA – Adam Silver cho rằng, có thể NBA quá chú ý đến những vấn đề như “Black Lives Matter” nên đã ảnh hưởng đến kỳ vọng xem của khán giả.
Trong một cuộc phỏng vấn với CNN vào tháng trước, Adam Silver đã nói rằng ông sẽ tiếp tục thúc đẩy sự hợp tác giữa NBA và Trung Quốc, đồng thời cho biết NBA đang xuất khẩu các giá trị của Mỹ sang Trung Quốc.
Tạ Điền – Giáo sư kinh doanh tại Đại học Nam Carolina chia sẻ: “Làm giao dịch gì với ĐCSTQ thì chúng tôi ở phía dưới không biết, nhưng giao dịch cùng ĐCSTQ thì phải có cơ sở thỏa hiệp. Trung Quốc có một thị trường người hâm mộ khổng lồ, hơn nữa còn liên quan đến các cấp cao của ĐCSTQ. Một điều nữa là, trên thực tế, ĐCSTQ tứ phía đều có địch, bọn họ cũng muốn tạo một bầu không khí, muốn lợi dụng điều này như một ván cờ thương lượng để tạo cảnh thái bình”.
Tuy nhiên, việc CCTV tuyên bố phát sóng lại NBA mà không báo trước, và nói rằng đó là để đáp ứng nhu cầu của người hâm mộ Trung Quốc. Điều này đã khiến cư dân mạng Trung Quốc bất mãn, rất nhiều người cho rằng CCTV có tiêu chuẩn đi đôi với quyền lợi và chỉ trích rằng: “Ban đầu các người là vì đại nghĩa dân tộc, để cho chúng ta không phải khom lưng quỳ gối. Bây giờ người ta không nói lời nào, các người lại quỳ gối trước đồng tiền nát, còn mặt mũi nữa không? “
Có cư dân mạng nghi ngờ rằng, việc CCTV bất ngờ phát sóng lại NBA có liên quan đến việc bổ nhiệm nhân sự. Bởi vì Hội đồng quản trị NBA của Trung Quốc đã bổ nhiệm Mã Tiểu Phi làm Giám đốc điều hành của NBA Trung Quốc vào ngày 1/6. Cha của anh ta là cựu giám đốc của Trung tâm thể thao CCTV.
Qua Bích Đông chỉ ra rằng, hệ thống chuyên chế của ĐCSTQ dựa trên sự độc tài cai trị của con người, vì vậy nó thường thể hiện ý kiến cá nhân và thậm chí bóp méo ý kiến cá nhân trong một số vấn đề quốc tế lớn.
Việc CCTV ngừng phát sóng, đến việc phát sóng lại NBA không phải vì NBA có sự thay đổi, cũng không phải vì hệ thống giá trị của ĐCSTQ có thay đổi, mà chỉ là sự thay đổi ý kiến cá nhân của người lãnh đạo ĐCSTQ dưới áp lực của cộng đồng quốc tế.
Việt Anh