Tinh Hoa

Ẩn họa đằng sau ‘thiên đường’ giữa lòng sa mạc

Tuy tạo ra nơi sinh sống mới cho muôn loài giữa sự cằn cỗi, nóng nực của sa mạc, nhưng hồ nhân tạo, sản phẩm của quá trình khử mặn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phá vỡ hệ thống sinh thái.||

Ở sa mạc xa xôi trên lãnh thổ Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) tồn tại một hồ nước xanh ngắt, nằm giữa những cồn cát khô cằn. Nó hoàn toàn không phải là ảo ảnh, mà chính là sản phẩm không mong muốn của quá trình biến nước biển thành nước ngọt mà UAE đang ứng dụng để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Hồ nước nhân tạo giữa lòng sa mạc khô cằn.

Mới chỉ xuất hiện trong những năm gần đây nhưng hồ nước được đặt tên là Zakher đã tạo ra một môi trường sinh thái khác biệt giữa lòng sa mạc. Chuyên gia nghiên cứu về chim Huw Roberts cho biết, hồ nước này là một trong những địa điểm lý tưởng nhất cho loài chim ở UAE. Đây là môi trường sống lý tưởng cho loài động vật này.

Chuyên gia Roberts cũng khẳng định, hồ nước này là thiên đường của chim diệc, hồng hạc…., những loài động vật quý hiếm đang nằm trong diện bảo tồn. Với kinh nghiệm 7 năm chụp ảnh các loài chim, côn trùng và bò sát sống ở gần hồ nước này, ông Roberts khẳng định nơi đây quy tụ tới 600 loài động vật hoang dã, chiếm một nửa tổng số loài ở UAE.

Tuy nhiên, nhiều nhà sinh thái học khác lại coi Zakher là thảm họa với môi trường và hệ sinh thái, bởi nó ảnh hưởng đến những loài động vật từng tồn tại ở đây hàng triệu năm qua. Do hồ nước là sản phẩm của quá trình khử muối từ nước biển để tạo ra nước ngọt, nên nó tiềm ẩn những nguy cơ chưa được khám phá hết.

Nước thải từ quá trình khử mặn này chỉ được tái chế 45%, trong khi 55% còn lại bị thải ra môi trường. Nếu chảy xuống biển, nó sẽ làm tăng độ mặn của nước trong khi ngấm xuống đất, làm biến đổi hệ nước ngầm. Khi lượng nước thải này quá lớn, nó tạo thành hồ Zakher ngay giữa lòng sa mạc khô cằn.

Không chỉ gây tổn hại cho môi trường trên cạn, sản phẩm của quá trình này còn khiến môi trường biển bị phá hủy. Ngoài ra, dân số tăng khiến nhu cầu nước ngọt của UAE liên tục gia tăng, khiến việc khử mặn phải diễn ra liên tiếp. Quá trình này không chỉ tiêu tốn nhiều năng lượng mà còn khiến cho lượng muối bị thải ngược trở lại đại dương tăng bất thường.

Công nghệ khử mặn giúp UAE phát triển và thịnh vượng, nhưng chính sự thịnh vượng đó lại đang trở thành gánh nặng với môi trường sinh thái nơi đây. Nếu việc sử dụng nước ngọt cho đời sống và sản xuất không được tiến hành thỏa đáng, nó sẽ khiến UAE phải chi ra những khoản kinh phí không nhỏ để giải quyết hậu quả từ chính quá trình phát triển của mình.

Hồng Duy

Theo Infonet