Tinh Hoa

Ấn Độ tố Trung Quốc âm mưu độc bá châu Á

TT – Báo chí Ấn Độ vào cuộc, chỉ trích tham vọng của Trung Quốc tại hai tuyến hàng hải chiến lược trên Ấn Độ Dương và biển Đông. Trong khi các cơn sóng ngoại giao tiếp tục dâng trên biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin (hàng đầu, bên phải) duyệt binh danh dự tại lễ kỷ niệm 117 năm thành lập hải quân tại căn cứ ở Cavite City, phía nam Manila ngày 25-5 Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin (hàng đầu, bên phải) duyệt binh danh dự tại lễ kỷ niệm 117 năm thành lập hải quân tại căn cứ ở Cavite City, phía nam Manila ngày 25-5 – Ảnh: Reuters
Bắc Kinh tin rằng hàng hải là chìa khóa để nước này độc bá châu Á
Chuyên gia Brahma ChellanEy

Tờ Times of India (TOI) của Ấn Độ ngày 24-5 đã lên tiếng tố Trung Quốc âm mưu độc bá không chỉ ở biển Đông mà còn cả ở Ấn Độ Dương.

Theo báo này, Tổng thống Ismail Omar Guelleh của Djibouti, một quốc gia nhỏ ở khu vực Sừng châu Phi, mới đây tiết lộ đang thảo luận cùng Trung Quốc lập một căn cứ hải quân tại đây.

Trả lời chất vấn của tờ TOI, phía quân đội Trung Quốc phủ nhận việc muốn lập căn cứ quân sự và vòng vo rằng Bắc Kinh muốn đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực và sự tăng cường hiện diện của hải quân nước này là vì các chiến dịch chống cướp biển ở vùng vịnh Eden.

Độc chiếm từ biển

Tuy nhiên theo chuyên gia Brahma Chellaney của Ấn Độ, việc Bắc Kinh muốn có căn cứ hải quân ở Djibouti, một quốc gia nhìn ra eo biển chiến lược Bab al-Mandeb, rõ ràng là một phần trong các chiến lược lớn của Trung Quốc trên Ấn Độ Dương.

“Các chiến lược này gắn liền với dự án con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc, một dự án thách thức Ấn Độ ngay trên vùng biển sân sau của nước này” – ông Chellaney nói và cảnh báo thêm rằng New Delhi sẽ sớm đối mặt với mối đe dọa quân sự gia tăng từ Trung Quốc.

TOI liên kết các động thái của Trung Quốc trên Ấn Độ Dương diễn ra cùng lúc với hoạt động cải tạo đảo tại biển Đông, hai vùng biển chiến lược của giao thương toàn cầu.

“Những gì chúng ta biết hiện giờ là Trung Quốc đang tô vẽ sự liền mạch của đường chín đoạn và giành chủ quyền hàng hải bên trong đường này bằng việc cải tạo đảo tại quần đảo Trường Sa. Một khi như vậy, Bắc Kinh có thể lấn tới và thành lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên khắp biển Đông” – tờ báo dẫn lời một chuyên gia ở Singapore nói.

“Nhìn rộng ra, việc Trung Quốc tăng cường tập trung vào các vùng biển, đại dương, đặc biệt là Ấn Độ Dương và biển Đông, cho thấy Bắc Kinh tin rằng hàng hải là chìa khóa để nước này độc bá châu Á” – ông Chellaney nhận xét.

Thật ra hồi đầu tháng, Lầu Năm Góc cũng cảnh báo rằng Trung Quốc đang có ý định thâu tóm Ấn Độ Dương và sẽ thiết lập một số điểm tiếp cận trong một thập kỷ tới dưới hình thức các điểm tiếp nhiên liệu, bảo trì, dừng chân…

Tuân thủ luật pháp quốc tế, không sợ dọa nạt

Trong khi đó, hôm qua tờ Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc tiếp tục dọa nạt rằng chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc là điều “khó tránh khỏi” nếu Washington tiếp tục cản trở Bắc Kinh xây đảo nhân tạo trên biển Đông.

Tờ báo nhấn mạnh rằng Trung Quốc quyết tâm hoàn thành việc cải tạo nhưng cảnh báo nên chuẩn bị cho khả năng xảy ra xung đột với Mỹ.

“Nếu mục đích cuối cùng của Mỹ là cản trở hoạt động của Bắc Kinh thì khó tránh khỏi cuộc chiến Trung – Mỹ trên biển Đông. Mức độ căng thẳng của xung đột sẽ cao hơn chuyện “xích mích” mà mọi người hay nghĩ – tờ báo nói – Chúng ta không muốn một xung đột quân sự với Mỹ nhưng nếu chuyện đó đến thì chúng ta phải chấp nhận thôi”.

Về ngoại giao, hôm qua Trung Quốc lại một lần nữa chính thức phản đối Mỹ liên quan đến vụ “chạm mặt” giữa máy bay quân sự Mỹ và lực lượng hải quân Trung Quốc tại vùng biển Bắc Kinh chiếm đóng trái phép trên biển Đông, theo Reuters.

Gọi vụ việc là một “hành vi gây hấn” của Mỹ, người phát ngôn Hoa Xuân Oánh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “Chúng tôi hối thúc Mỹ sửa chữa sai lầm và chấm dứt các phát ngôn, hành động vô trách nhiệm. Tự do đi lại và bay qua khu vực không có nghĩa là máy bay quân sự và tàu chiến của một nước có quyền phớt lờ quyền của nước khác cũng như an toàn hàng không và đi lại”.

Trước đó, Bắc Kinh cũng liên tục chỉ trích, cảnh báo Mỹ sau vụ việc.

Nhưng mặc cho những “tuyên bố chủ quyền” của Trung Quốc, các nước trong khu vực vẫn tiếp tục thể hiện quyết tâm bảo vệ lẽ phải.

Hôm qua, theo The Star, thư ký văn phòng truyền thông tổng thống Philippines, ông Herminio Coloma, tiếp tục nhấn mạnh giải pháp duy nhất cho tranh chấp trên biển Đông là con đường ngoại giao trong bối cảnh căng thẳng ngày một gia tăng tại khu vực.

Sau đó, Tổng thống Philippines Benigno Aquino lên tiếng khẳng định các máy bay quân sự và thương mại của Philippines sẽ tiếp tục bay qua khu vực tranh chấp trên biển Đông bất chấp cảnh báo của Trung Quốc.

Tổng thống Philippines nhấn mạnh các chuyến bay của nước này phù hợp với luật pháp quốc tế và các công ước mà Manila tham gia.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện quyền của mình trên vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi – ông Aquino nói – Điều cốt lõi là phải làm rõ rằng chúng tôi sẽ bảo vệ quyền của mình bằng tất cả khả năng”. Ông nói thêm rằng Manila đang hợp tác với Mỹ tìm giải pháp cho vấn đề nhưng không nói rõ chi tiết.

AFP dẫn lời người phát ngôn không quân Philippines Enrico Canaya cho biết lực lượng này đã có kế hoạch bay qua biển Đông, bao gồm lộ trình bay giống chiếc máy bay của hải quân Mỹ.

Cơ quan quản lý hàng không dân sự của Philippines cũng cho biết các hãng hàng không nội địa sẽ bay qua các tuyến hàng không quốc tế tại vùng biển này.

Ngày 25-5, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin nói ông sẽ gặp người đồng cấp Mỹ Ashton Carter tại Hawaii trong tuần này để tìm kiếm “cam kết mạnh mẽ hơn”.

“Chúng tôi lo ngại về những gì đang xảy ra trên biển Đông. Tự do đi lại, tự do bay qua khu vực bị phá vỡ đến nỗi máy bay Mỹ bay qua không phận quốc tế còn bị thách thức” – Reuters dẫn lời ông Gazmin. Một quan chức quân đội cấp cao của Philippines cho biết ông Gazmin sẽ yêu cầu Mỹ hỗ trợ các máy bay cũ, tàu và hệ thống radar.

Hội thảo khoa học biển Đông tại Mỹ

Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế có trụ sở tại thủ đô Washington (Mỹ) cuối tuần qua đã tổ chức cuộc hội thảo với chủ đề “Hội tụ khoa học biển và địa chính trị tại biển Đông”. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đông đảo học giả và chuyên gia hàng đầu tại các trường đại học, viện nghiên cứu của Mỹ.

Các học giả Mỹ có cùng quan điểm cho rằng những hoạt động cải tạo đảo thời gian qua là đe dọa hủy hoại môi trường tự nhiên và môi trường sinh thái biển ở biển Đông.

Một trong những bài phát biểu được đánh giá cao tại cuộc hội thảo là của James Borton, cựu phóng viên tờ Washington Times và là tác giả cuốn sách mang tựa đề Biển Đông: thách thức và triển vọng.

Ông James Borton cho rằng biển Đông đang đối mặt với thực trạng là các tranh chấp chủ quyền liên tục leo thang, trong đó Trung Quốc ngày càng uy hiếp các quốc gia láng giềng nhỏ hơn và có tiềm lực quân sự yếu hơn.

Việc Trung Quốc gia tăng các vụ xung đột và đụng độ với các nước láng giềng liên quan tới chủ quyền tại biển Đông có nguy cơ gây ra một thảm họa về môi trường, tự do hàng hải, gây phương hại ngành đánh bắt cá, đe dọa các hệ sinh thái biển và một trong những vùng biển có hệ san hô đẹp nhất của thế giới.

Theo ông James Borton, hoạt động bồi đắp và mở rộng đảo đá của Trung Quốc được giới khoa học và chuyên gia nhìn nhận là vi phạm trực tiếp Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS). (TTXVN)

TRẦN PHƯƠNG

Theo Tuổi Trẻ