Trong khi lực lượng lao động của Trung Quốc đã bắt đầu giảm sút (một phần vì chính sách một con kéo dài), Ấn Độ lại đang gia tăng nguồn nhân lực trẻ với tốc độ chóng mặt.
Theo Ernst &Young, lực lượng lao động Ấn Độ sẽ tăng lên 900 triệu người vào năm 2020. Trong khi đó, lực lượng lao động Mỹ chỉ có dưới 160 triệu người dù lớn thứ 3 trên thế giới.
Do tăng trưởng kinh tế là sự kết hợp của vốn và nguồn nhân lực, một lực lượng lao động phát triển sẽ là một lợi thế lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, chính phủ Ấn Độ cũng phải đào tạo lực lượng lao động của mình hiệu quả và xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết để giúp nền kinh tế phát triển.
Hiện nay chỉ 2% công nhân Ấn Độ được đào tạo kỹ năng chính thức, Ernst & Young cho biết. Con số này là quá nhỏ so với mức 68% ở Anh, 75% ở Đức và 96% ở Hàn Quốc.
Nếu thành công trong việc củng cố nguồn lực quan trọng này, Ấn Độ sẽ nhanh chóng thay thế Trung Quốc trở thành nền kinh tế khiến Mỹ cũng phải nể sợ.
Hãng tin Bloomberg trích số liệu báo cáo của Deloitte LLP chỉ ra rằng, Ấn Độ đang trên đường trở thành một siêu cường kinh tế, chủ yếu nhờ lợi thế dân số trẻ trong khi Trung Quốc và các “con hổ” châu Á khác già đi nhanh chóng.
Số người già trên 65 tuổi ở châu Á sẽ tăng từ 365 triệu hiện nay lên hơn 500 triệu vào năm 2027 và chiếm đến 60% số dân trên toàn thế giới trong độ tuổi này vào năm 2030, Deloitte dự báo.
Ngược lại, Ấn Độ sẽ thúc đẩy làn sóng tăng trưởng lớn thứ ba ở châu Á, theo sau Nhật Bản và Trung Quốc, với số lao động có thể tăng từ 885 triệu người lên 1,08 tỉ người trong 20 năm tới và luôn giữ số lượng lao động trên mức này trong 50 năm nữa.
“Ấn Độ sẽ chiếm hơn một nửa mức tăng lực lượng lao động ở châu Á trong thập kỷ tới. Nhưng không tăng về số lượng, chính những nhân lực mới này sẽ được đào tạo và giáo dục bài bản so với thế hệ lao động hiện nay của Ấn Độ”, theo kinh tế gia của Deloitte Ấn Độ Anis Chakravarty.
Nhà kinh tế này cũng cho biết nguồn nhân lực tăng cũng kéo tiềm năng kinh tế tăng theo, nhờ tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động gia tăng, cũng như khả năng và nhu cầu làm việc kéo dài hơn.
Báo cáo cũng cho biết, ngoài Ấn Độ, Indonesia và Philippines cũng có dân số khá trẻ, nghĩa là hai nước đó cũng sẽ có mức tăng trưởng tương tự. Thế nhưng, đà tăng của Ấn Độ không phải là bất biến: nếu nước này không có khung pháp lý phù hợp để duy trì và thúc đẩy tăng trưởng, thì dân số tăng mạnh sẽ dẫn đến thất nghiệp và đó là mầm mống của bất ổn xã hội.
Ngược lại với Ấn Độ, Deloitte nêu tên các nước và vùng lãnh thổ sẽ chịu thách thức lớn nhất từ tình hình già hóa dân số. Đó là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan và New Zealand. Với Úc, báo cáo của Deloitte cho hay tác động của tình trạng này sẽ vượt cả mức độ tác động ở Nhật Bản, quốc gia vốn trải qua hàng thập niên chật vật với vấn đề lão hóa dân số. Dù vậy nhờ chính sách chào đón người nhập cư, nguy cơ Úc suy thoái kinh tế vì dân số già giảm trong nhiều thập niên tới.
Mặt khác, kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy có những cơ hội xuất hiện khi dân số già đi. Nhu cầu gia tăng trong các ngành như điều dưỡng, hàng tiêu dùng cho người già, nhà ở cho người già và hạ tầng xã hội, cũng như quản lý tài sản và bảo hiểm.
Trải nghiệm của kinh tế Nhật cho thấy các nước sẽ có thêm nhiều cơ hội từ chính tình trạng già hóa dân số. Đơn cử, nhu cầu trong các lĩnh vực như điều dưỡng, hàng hóa tiêu dùng cho người cao tuổi, nhà ở và cơ sở hạ tầng xã hội phù hợp với người già, chương trình quản lý tài sản và bảo hiểm tăng cao. Tuy nhiên, châu Á vẫn cần điều chỉnh ít nhiều để xoay sở với thực tế mới.
Để châu Á đối phó với vấn đề có hơn 1 tỷ người trên 65 tuổi vào năm 2050, báo cáo khuyến nghị các nước cần tăng tuổi nghỉ hưu, khuyến khích phụ nữ tham gia lực lượng lao động, tiếp nhận người di cư và tăng năng suất lao động.