Tinh Hoa

Ấn Độ phóng thành công tàu thăm dò sao Hỏa

Tàu thăm dò sao Hỏa đầu tiên của Ấn Độ vừa rời bệ phóng vào chiều nay, đưa quốc gia đông dân thứ hai thế giới vào hàng ngũ những cường quốc không gian tham vọng chinh phục Hỏa tinh.

Vào lúc 14h38 phút giờ địa phương, tức 16h08′ giờ Việt Nam, Tổ chức nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đã phóng thành công tàu thăm dò sao Hỏa đầu tiên mang tên Mangalyaan. Tên lửa đẩy PSLV C25 đưa tàu bay vào quỹ đạo. ISRO thông báo mọi thông số của tàu đều ổn.

 

Tên lửa đẩy PSLV C25 đưa tàu thăm dò sao hỏa Mangalyaan rời bệ phóng. Ảnh: Times of India.

Trước đó, Space đưa tin tàu vũ trụ Mangalyaan sẽ được phóng lên từ Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan, bang Sriharikota. Trị giá của nó là 4,5 tỷ rupee, tương đương 73,5 triệu USD.

Theo lịch trình, tàu thăm dò đầu tiên của Ấn Độ sẽ di chuyển suốt 11 tháng trước khi tới quỹ đạo sao Hỏa. Tuy nhiên, Mangalyaan sẽ ở lại quỹ đạo trái đất gần một tháng để đạt được vật tốc cần thiết, giúp nó thoát khỏi lực hút của địa cầu.

Tàu thăm dò sao Hỏa của Ấn Độ. Ảnh: Space.com.

Con tàu sẽ nghiên cứu bầu khí quyển và bề mặt sao Hỏa từ quỹ đạo. Tuy Mangalyaan mang các thiết bị nghiên cứu Hỏa tinh nhưng mục đích chính của chuyến bay là kiểm tra các công nghệ chinh phục không gian của Ấn Độ, nhằm hoàn thiện hơn các thế hệ tàu vũ trụ trong tương lai.

Indian Times dẫn lời ông K. Radhakrishnan, chủ tịch Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ, cho biết: “Di chuyển quanh quỹ đạo sao Hỏa là một thách thức. Đây là chuyến bay liên hành tinh đầu tiên của chúng tôi. Chúng tôi sẽ triển khai những chuyến bay lớn hơn sau này”.

Trên thực tế, chinh phục sao Hỏa là nhiệm vụ khó khăn. Một nửa trong số hơn 40 tàu thăm dò sao Hỏa của loài người không tới được đích từ năm 1960 đến nay. Nếu chuyến bay của Mangalyaan thành công, Ấn Độ sẽ là quốc gia thứ ba chinh phục Hỏa tinh. Tính tới thời điểm hiện tại, chỉ Nga, Mỹ và châu Âu đủ khả năng chinh phục hành tinh láng giềng của trái đất.

Trong năm 2011, tàu thăm dò Hỏa tinh của Bắc Kinh không thể tới đích. Đầu năm 2012, tàu đổ bộ sao Hỏa Phobos-Ground của Nga cũng mất tích sau khi rời bệ phóng rồi ngược trở lại trái đất hơn 1 tháng sau đó.

Hồng Duy

Theo Tri Thức

Theo Zing