Neerja Bhanot sinh ngày 7/9/1963 tại Chandigarh, phía bắc Ấn Độ, là một nữ tiếp viên hàng không xinh đẹp và dũng cảm. Cô đã qua đời trong một chuyến bay sau khi bảo vệ thành công mạng sống của 300 hành khách trước cuộc khủng bố kinh hoàng bất ngờ xảy ra.
Thời đi học, Neerja nổi tiếng là một cô gái xinh đẹp, dũng cảm và có tính cách điềm đạm. Cô rất hay mộng mơ và vẽ ra những kịch bản mà mình sẽ đóng vai. Trong một lần, Neerja đã đặt câu hỏi với mẹ cô rằng, cô cần làm gì trong trường hợp nếu chuyến bay gặp không tặc.
Và bà đã trả lời:
“Nếu chuyện như thế này xảy ra, hãy trốn thoát.”
Tuy nhiên, đứng trên góc độ của Neerja thì hoàn toàn khác, cô tự tin dõng dạc nói với mẹ:
“Nếu tất cả các bà mẹ đều nghĩ giống mẹ, thì chuyện gì sẽ xảy ra với đất nước này? Con thà chết còn hơn là chạy trốn.”
Chuyến bay cuối cùng của nữ tiếp viên xinh đẹp
Tưởng chừng chỉ là một câu chuyện vu vơ giữa hai mẹ con, thế nhưng không ai có thể ngờ rằng, những lời nói hôm đó đến một ngày đã trở thành sự thật. Vào 5/9/1986, cách hai ngày trước khi Neerja đón sinh nhật lần thứ 23 của mình trên chuyến bay mang số hiệu 73 của hãng hàng không Pan Am, tại sân bay quốc tế Jinnah, thuộc thành phố Karachi, Pakistan, để đi tới Mumbai, Ấn Độ.
Những tên không tặc đã giả dạng làm nhân viên an ninh để đột nhập lên máy bay. Chúng mang theo súng, bom, lựu đạn nhằm cướp và hướng máy bay sang Israel để khủng bố. Lúc đó trên máy bay có 365 hành khách và 16 phi hành đoàn.
Một trong số những tên khủng bố đã bắn một phát súng vào không trung và quát lớn với một đồng nghiệp của Neerja hãy đóng cửa máy bay lại và yêu cầu máy bay lập tức cất cánh.
Vốn là một cô gái dũng cảm và nhanh trí, Neerja đã nhanh chóng dùng bộ đàm liên lạc với các phi công để họ kịp thời trốn thoát qua một cửa hầm khẩn cấp trước khi bị bọn khủng bố phát hiện.
Cùng lúc đó, một trong những tên khủng bố đã uy hiếp Sunshine Vesuwala, một đồng nghiệp của Neerja phải đưa hắn đến kiểm tra buồng lái.
“Tôi nhận thấy ngay lập tức các thiết bị thoát hiểm trong buồng lái đã được triển khai. Cửa hầm di tản trên trần buồng lái đã mở, nhưng tôi đã giả vờ như không thấy. Tôi muốn cho các phi công có thời gian trốn thoát trong trường hợp họ vẫn đang trong quá trình trèo xuống bằng sợi dây bên ngoài máy bay. Kẻ không tặc dường như không biết nhiều về máy bay nên hắn ta đã dừng tìm kiếm.” Sunshine tường thuật lại.
Dilip Bidichandani, một tiếp viên khác trong chuyến bay cũng tuyên bố rằng sự trốn thoát của các phi công thực sự đã cứu nhiều mạng sống hơn nữa, vì nếu máy bay hôm đó bị ép phải cất cánh thì hậu quả xảy ra sẽ không thể lường trước được.
Sau khi phát hiện không còn phi công, chỉ huy nhóm không tặc Zayd Hassan Abd al-Latif Safarini đã tỏ ra vô cùng giận dữ, hắn yêu cầu được đàm phán với hãng máy bay để tìm một phi công mới thay thế nhưng đều bị từ chối.
Sau thời gian chờ đợi vẫn không được hồi đáp, nhóm không tặc đã bắn chết một con tin và yêu cầu Neerja thu hồi toàn bộ số hộ chiếu của hành khách.
Nhận thấy đối tượng khủng bố nhắm tới sẽ là hành khách mang quốc tịch Mỹ, Neerja cùng các đồng nghiệp khác đã lén giấu đi 41 cuốn hộ chiếu của những khách Mỹ xuống ghế và ống thải. Kết quả, trong số 41 người chỉ có 2 người bị thiệt mạng.
Thời điểm đó, đúng lúc tiếp viên trưởng đã xin nghỉ phép nên Neerjia trở thành người chịu trách nhiệm cao nhất và cũng là người phải đối mặt trực tiếp với những tên khủng bố lúc bấy giờ.
Dù trong tình trạng đang bị đe dọa đến tính mạng, nhưng Neerja vẫn can đảm tiếp tục công việc của mình. Trong suốt 17 tiếng chịu sự khống chế của nhóm khủng bố, Neerja cùng các đồng nghiệp vẫn giữ bình tĩnh phục vụ bánh sandwich và đồ uống cho những hành khách đang ngồi trên chuyến bay. Neerja thậm chí còn mỉm cười và cố gắng trấn an tinh thần cho họ, ngay cả khi những kẻ khủng bố đã giết chết một hành khách trong số đó và ném anh ta ra khỏi máy bay một cách tàn bạo.
Cuối cùng đến khoảng 9 giờ tối, do động cơ phụ ngừng hoạt động vì hết nhiên liệu, toàn bộ cabin đều tối đen, những tên khủng bố bắt đầu xả súng không chủ đích vào không trung và đe dọa sẽ cho nổ tung tất cả.
Khung cảnh lúc bấy giờ trở nên hỗn loạn và tăm tối, chỉ còn thấy những vệt sáng do súng đạn bay loạn xạ lóe lên liên hồi cùng tiếng khóc than và la hét của hàng trăm con người trên chuyến bay.
Bỗng nhiên, ít nhất có ba cánh cửa thoát hiểm đã được ai đó nhanh tay mở ra, Neerja nhận thấy đây là cơ hội duy nhất để trốn thoát, mặc dù lẽ ra cô sẽ là người dễ dàng nhảy ra đầu tiên, nhưng Neerja đã từ chối cơ hội đó để nhường chỗ cho những hành khách khác xuống trước.
Trong tình thế nguy cấp, Neerja còn dùng thân mình chắn đạn cho 3 em nhỏ khác được an toàn rời máy bay, một viên đạn khi đó đã găm vào bụng, vai và cánh tay của cô khiến máu chảy không ngừng.
“Khi cửa thoát hiểm bật mở, cô ấy có thể sẽ là người đầu tiên được trượt xuống. Nhưng Neerja tin rằng mình là đội trưởng cần có trách nhiệm tới cùng, nên không được bỏ cuộc”, một hành khách may mắn trốn thoát, nhớ lại.
Sunshine và Dilip là hai người đồng nghiệp khi ấy đã đến hỗ trợ đỡ Neerja xuống trước và sau đó mới cùng nhảy ra ngoài. Mặc dù bị thương rất nặng nhưng Neerja vẫn tỉnh táo sau khi trúng đạn và nhắc nhở đến các đồng nghiệp khác vẫn đang nỗ lực cứu người trên máy bay rằng, hãy tiếp tục công việc.
Rồi sau đó Neerja được di chuyển đến bệnh viện và không may qua đời do không đủ điều kiện y tế để chữa trị.
Về phần những phi hành đoàn khác, họ vẫn tiếp tục ở lại để thực hiện nhiệm vụ của mình cho đến khi đưa được tất cả các hành khách ra ngoài máy bay. Đến tận khi không còn nghe thấy tiếng súng nữa, dù chưa hẳn đã an toàn nhưng họ vẫn quyết quay trở lại máy bay để tìm kiếm những người nào còn sót lại. Trận thảm sát trên máy bay hôm đó đã khiến 22 người thiệt mạng và 359 hành khách còn lại may mắn sống sót sau vụ khủng bố này.
Cả 4 tên khủng bố sau đó đã bị chính phủ Pakistan bắt giữ và tuyên án tử hình, nhưng sau đó lại giảm nhẹ xuống tù chung thân. Điều này đã dấy lên một làn sóng phẫn nộ trong công chúng. Đến năm 2008, cả 4 tên này được chính phủ Pakistan thả tự do, sau đó FBI ngay lập tức phát lệnh truy nã chúng với tội danh khủng bố nhưng cho đến hiện tại vẫn chưa thể bắt giữ được.
Về phần Neerja, sau cái chết của mình, cô đã được chính phủ Ấn Độ trao tặng huân chương anh hùng để ghi danh những cá nhân chiến đấu, bảo vệ nền hòa bình của Ấn Độ. Cô cũng nhận được những huy chương danh dự từ Chính phủ Mỹ và Pakistan.
Câu chuyện cuộc đời của nữ tiếp viên Neerja Bhanot đến nay đã trở thành nguồn cảm hứng cho một bộ phim Bollywood cùng tên đã công chiếu năm 2015.
Và điều bất ngờ là một trong số 3 em nhỏ được Neerja lấy thân mình chắn đạn ngày ấy, sau này đã trở thành những cơ trưởng tài năng của một hãng hàng không.
Những anh hùng thầm lặng không được nhắc đến
Sau lần khủng bố kinh hoàng năm ấy xảy ra, mãi đến năm 2005, trong suốt một thời gian dài im lặng, những người tiếp viên hàng không năm ấy đã được dịp chia sẻ lại với giới truyền thông về toàn bộ quá trình vụ khủng bố.
Họ cho rằng tất cả những người trên tàu đều đáng được tôn vinh nhưng hầu hết đều không được công chúng biết đến. Họ cũng nhấn mạnh rằng không có một anh hùng nào duy nhất vào lúc đó, các thành viên và phi hành đoàn mà không được phỏng vấn cũng đóng một vai trò quan trọng không kém. Đồng thời họ cũng cho biết rằng tất cả đều rất nhớ Neerja Bhanot.
“Những người còn sống sót đang phải sống mỗi ngày với những ký ức ấy” Madhvi một tiếp viên trong chuyến bay hôm đó chia sẻ.
Chúc Di (t/h)