Nhiều nền văn hóa cổ đại như Hy Lạp – La Mã, Trung Quốc, Ấn Độ đã tạo ra những con robot tự động. Trong đó, câu chuyện vương quốc Ấn Độ cổ xưa chế tạo ra robot để bảo vệ xá lợi của Phật đã đi vào truyền thuyết.
Ngay từ thời Homer, hơn 2.500 năm trước, thần thoại Hy Lạp đã khám phá ra ý tưởng về các cỗ máy tự động và các thiết bị tự di chuyển. Vào thế kỷ thứ ba TCN, các kỹ sư ở Hellenistic Alexandria, Ai Cập, đã thật sự chế tạo ra những con robot và máy móc cơ khí. Kể cả những điều khoa học viễn tưởng cũng như những công nghệ mang tính lịch sử như vậy cũng không phải là điều gì độc đáo đối với nền văn hóa Hy Lạp – La Mã.
Cuốn sách gần đây của Adrienne Mayor có tựa đề Gods and Robots (tạm dịch: Thần và Robot) có đề cập đến rất nhiều xã hội cổ đại đã tạo ra những cỗ máy tự động. Biên niên sử Trung Quốc từng kể rằng các vị hoàng đế bị các người máy trông như thật quấy phá và cũng miêu tả về những người hầu nhân tạo do nhà nữ phát minh Hoàng Nguyệt Anh (vợ của Gia Cát Lượng) chế tác vào thế kỷ thứ hai.
Những tuyệt tác kỹ thuật, như xe ngựa chiến và những nhân vật hoạt hình, cũng từng xuất hiện trong sử thi Ấn Độ giáo. Một trong những câu chuyện hấp dẫn nhất ở Ấn Độ là chuyện kể về việc robot đã từng bảo vệ xá lợi của Phật. Nghe có vẻ khá khó tin đối với những con người hiện đại như chúng ta, nhưng câu chuyện này cũng rất có lý vì trong thời Hy Lạp và Ấn Độ cổ đại từng có mối bang giao chặt chẽ.
Câu chuyện lấy bối cảnh ở thời vua Ajatashatru (A-xà-thế) và vua Asoka (A-dục). Ajatashatru là vị vua trị vì từ năm 492-460 TCN. Ông là người đã áp dụng các phát minh quân sự mới mẻ, trong đó có máy bắn đá có lực mạnh và một cỗ xe ngựa chiến cơ giới với lưỡi kiếm xoáy. Khi Phật qua đời, vua Ajatashatru được giao nhiệm vụ bảo vệ hài cốt quý giá của Phật. Nhà vua giấu hài cốt trong một căn phòng dưới lòng đất gần thủ phủ của mình có tên Pataliputta (nay là Patna) ở phía đông bắc Ấn Độ.
Theo truyền thống, tượng của các chiến binh khổng lồ sẽ đứng canh gác gần kho báu. Nhưng trong truyền thuyết, lính gác của Ajatashatru lại có một điểm vô cùng khác thường: Chúng đều là robot. Trong tiếng Pali và tiếng Phạn, người máy hay máy móc tự động có thể tự di chuyển được gọi là “bhuta vahana yanta”, nghĩa là “cỗ máy biết đi có linh hồn”. Dựa vào đó, người xưa đã tiên đoán rằng các robot của vua Ajatashatru sẽ vẫn làm nhiệm vụ cho đến khi một vị vua tương lai rải các xá lợi của Phật trên khắp vương quốc.
Robot cổ đại và các loại máy tự động
Các văn bản Ấn Độ giáo và Phật giáo diễn tả các chiến binh tự động quay cuồng như gió, dùng kiếm chém những kẻ xâm nhập. Việc này làm người ta liên tưởng đến những cỗ xe chiến tranh của vua Ajatashatru với lưỡi kiếm xoay tròn. Trong một số phiên bản khác, robot được điều khiển bằng một bánh xe nước hoặc được thần kỹ thuật của Ấn Độ giáo là Visvakarman chế tạo nên. Nhưng phiên bản gây ấn tượng nhất lại xuất phát từ văn bản Lokapannatti của Miến Điện – những bản dịch tiếng Pali của các văn bản tiếng Phạn cũ bị thất lạc, chỉ được biết từ các bản dịch tiếng Trung, mỗi bản dịch đều có nội dung xoay quanh các tập tục truyền miệng trước đó.
Trong câu chuyện này, nhiều “yantakara” – người chế tạo robot – là những người sống ở vùng đất phía Tây của Yavanas. Họ nói tiếng Hy Lạp, ở vùng “Roma-visaya”, tên tiếng Ấn Độ của văn hóa Hy Lạp – La Mã ở Địa Trung Hải. Công nghệ bí mật của robot Yavanas được bảo vệ rất chặt chẽ. Các robot của vùng Roma-visaya từng phải đảm nhận các công việc về thương mại, canh tác và bắt giữ, xử tử tội phạm.
Các nhà sản xuất robot đã bị cấm lưu truyền hoặc tiết lộ bí mật. Nếu thông tin bị tiết lộ, các sát thủ robot sẽ truy đuổi và thủ tiêu họ. Tin đồn về những con robot tuyệt vời này đã lan đến Ấn Độ, truyền cảm hứng cho một nghệ nhân trẻ tên ở Pataliputta, thủ đô Ajatashatru. Người này luôn khao khát muốn học cách chế tạo những cỗ máy tự động.
Trong truyền thuyết, một chàng trai xuất thân từ Pataliputta phát hiện mình được tái sinh ở trung tâm của vùng Roma-visaya. Ông kết hôn với con gái của một bậc thầy chế tạo robot và học được nghề này. Đến một ngày kia, ông ta đã đánh cắp các bản thiết kế về chế tạo robot và ấp ủ âm mưu mang chúng trở về Ấn Độ.
Ông biết rằng bản thân chắc chắn sẽ bị những tên robot sát thủ giết hại trước khi kịp lên đường về Ấn Độ, thế nên ông quyết định khoét đùi mình ra, nhét các hình vẽ dưới da và tự khâu lại. Sau đó, ông nói với con trai hãy đảm bảo rằng xác của ông phải được đem trở lại Pataliputta, và cuộc hành trình bắt đầu. Ông bị bắt giết, nhưng người con trai đã phục hồi xác của ông và mang đến Pataliputta.
Khi trở về Ấn Độ, người con trai lấy các bản kế hoạch khỏi cơ thể của cha mình. Anh làm theo hướng dẫn của những bản thiết kế để chế tạo ra binh lính tự động cho vua Ajatashatru bảo vệ xá lợi Phật trong buồng ngầm. Nhờ được che giấu hết sức cẩn thận và được bảo vệ nghiêm ngặt, câu chuyện xá lợi và những binh lính robot dần rơi vào quên lãng.
Hai thế kỷ sau thời đại của vua Ajatashatru, vua Asoka lên ngôi cai trị Đế quốc Mauryan hùng mạnh ở Pataliputta (273-232 TCN). Vua Asoka cho xây dựng nhiều bảo tháp để lưu giữ các xá lợi Phật trên khắp vương quốc rộng lớn. Tương truyền, vua Asoka đã nghe về truyền thuyết xoay quanh các xá lợi được cất giấu và ông ra lệnh truy tìm chúng cho đến khi phát hiện ra căn phòng ngầm được các binh lính người máy dữ tợn canh gác. Và rồi hàng loạt những trận chiến dữ dội đã nổ ra giữa binh lính của vua Asoka và các robot.
Cũng có một phiên bản chuyện kể khác cho rằng, vị thần Visvakarman đã giúp vua Asoka đánh bại robot bằng cách bắn mũi tên vào các bu lông nối những trục xoay lại với nhau. Ở một câu chuyện dân gian khác, con trai của vị kỹ sư đã chỉ ra cách có thể vô hiệu hóa và điều khiển những con robot đó. Rốt cuộc, vua Asoka cuối cùng đã tự mình chỉ huy đội quân robot tự động ấy.
Sự giao lưu giữa Đông và Tây
Rõ ràng, câu chuyện trên khiến liên tưởng về những người máy cơ học dùng để bảo vệ xá lợi Phật với các cỗ máy tự động của Roma-visaya – một khu vực phương Tây chịu ảnh hưởng của Hy Lạp. Hầu hết các học giả cho rằng sự kiện này phát sinh trong thời kỳ Hồi giáo và châu Âu trung cổ.
Nhưng cũng có thể câu chuyện ra đời sớm hơn khoảng thời gian đó. Bối cảnh lịch sử đã chỉ ra sự trao đổi công nghệ giữa đế quốc Khổng Tước (Mauryan) và Hy Lạp. Ấn Độ và Hy Lạp bắt đầu liên lạc với nhau vào thế kỷ thứ 5 TCN, thời điểm các kỹ sư của vua Ajatashatru tạo ra những cỗ máy chiến tranh mới lạ. Sự trao đổi văn hóa Phật giáo và văn hóa Hy Lạp được đẩy mạnh hơn sau các chiến dịch của Alexander Đại đế ở miền bắc Ấn Độ.
Vào năm 300 TCN, hai đại sứ Hy Lạp là Megasthenes và Deimachus, cư trú tại Pataliputta – một nơi có nền nghệ thuật và kiến trúc đáng tự hào chịu ảnh hưởng từ Hy Lạp và là nhà của một nghệ nhân huyền thoại đã lập nên bản thiết kế robot ở Roma-visaya. Những cây cột lớn được vua Asoka dựng nên được khắc bằng tiếng Hy Lạp cổ đại và ghi danh các vị vua Hy Lạp, thể hiện mối quan hệ giữa vua Asoka với phương Tây. Các nhà sử học tin rằng vua Asoka có mối liên hệ với những nhà cai trị Hy Lạp, bao gồm Ptolemy II Philadelphus ở Alexandria – người đã mở một cuộc diễu hành ngoạn mục vào năm 279 TCN để trưng bày các bức tượng hoạt hình phức tạp và các thiết bị tự động.
Các nhà sử học cho rằng vua Asoka đã phái sứ thần đến Alexandria. Đồng thời vua Ptolemy II cũng gửi đại sứ đến thăm vua Asoka tại Pataliputta. Đó là thông lệ giúp các nhà ngoại giao vừa có thể gửi tặng quà cho nhau vừa thể hiện thành tựu văn hóa của quốc gia mình. Có phải họ đã mang các bản phác thảo hay mô hình thu nhỏ của các cỗ máy tự động và các thiết bị cơ khí khác đến?
Hiện vẫn chưa xác định được các truyền thuyết có khởi nguồn từ khi nào, nhưng có thể khả thi rằng ý tưởng về robot bảo vệ các xá lợi Phật là sự kết hợp giữa những thành tựu kỹ thuật có thật lẫn hư cấu từ thời vua Ajatashatru và vua Asoka. Truyền thuyết này là bằng chứng cho thấy khái niệm chế tạo máy móc tự động đã phổ biến rộng rãi từ thời cổ đại.
Bảo San (Theo Ancient Origins)
Xem thêm: