Sau lệnh cấm 59 ứng dựng Trung Quốc hồi tháng trước vì lo ngại an ninh quốc gia, chính phủ Ấn Độ mới đây đã cấm thêm 47 ứng dụng truyền thông xã hội khác của Bắc Kinh.
Tờ India Today ngày 27/7 đưa tin chính phủ Ấn Độ đã quyết định cấm thêm 47 ứng dụng của Trung Quốc. Bộ Công Nghệ Ấn Độ cho hay những ứng dụng này bị chặn vì “gây tổn hại đến quyền riêng tư và an ninh của Ấn Độ”.
Các ứng dụng mới bị cấm là bản sao hoặc biến thể của các ứng dụng Trung Quốc bị cấm hồi cuối tháng 6. Trong đó có TikTok Lite – phiên bản rút gọn của TikTok, tương tự Helo Lite, SHAREit Lite, Bigo Live Lite và Cam Scanner Advance.
TikTok, Helo, SHAREit, và Cam Scanner Advance vốn nằm trong danh sách 59 ứng dụng bị cấm trước đó. Theo Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin Ấn Độ, những ứng dụng này đã “tham gia hoạt động gây phương hại đến chủ quyền, toàn vẹn, quốc phòng của Ấn Độ, cũng như an ninh quốc gia và trật tự công cộng”.
Lệnh cấm ngày 29/6 được ban hành trong bối cảnh căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang gia tăng sau cuộc đụng độ ở vùng biên giới tranh chấp khiến 20 binh sĩ Ấn Độ tử vong.
Trong một tuyên bố hôm 4/7, chính phủ Ấn Độ cho biết một trong những lý do cấm 59 ứng dụng Trung Quốc là vì “một số ứng dụng đã ăn cắp và lén lút truyền dữ liệu của người dùng đến các máy chủ có trụ sở bên ngoài Ấn Độ”. Họ cảnh báo những công ty này có thể gửi dữ liệu người dùng cho các chính phủ nước ngoài, làm tổn hại lợi ích quốc gia Ấn Độ, tuy nhiên không đề cập đến Trung Quốc.
Vào ngày 10/7, chính phủ Ấn Độ đã công bố trên trang web của mình tên các ứng dụng Ấn Độ thay thế cho 59 ứng dụng bị cấm, đồng thời cho biết lệnh cấm là cơ hội để Ấn Độ tự dựa vào khả năng công nghệ của mình.
Ngoài ra, chính phủ Ấn Độ đã liệt kê một danh sách khác gồm 275 ứng dụng Trung Quốc sẽ được kiểm tra xem có vi phạm dữ liệu người dùng và an ninh quốc gia hay không, India Today đưa tin ngày 27/7.
Không chỉ Ấn Độ, các nhà lập pháp, quan chức và chuyên gia ở Mỹ cũng bày tỏ lo ngại về việc ứng dụng Trung Quốc thu thập dữ liệu người dùng, đặc biệt là TikTok, do công ty công nghệ ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh tung ra vào năm 2016.
Ngày 22/7, Ủy ban Thượng viện Mỹ về các vấn đề chính phủ và an ninh nội địa đã thông qua đề xuất cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị của chính phủ.
Thùy Linh (Theo The Epoch Times)