Những ngày gần đây, cảnh sát Hồng Kông đã tiến công ồ ạt vào các trường đại học, sử dụng các vũ khí mới có tính sát thương để trấn áp và bắt bớ người biểu tình. Trọng tâm của cuộc biểu tình đã nhanh chóng chuyển từ đường phố vào khuôn viên của trường đại học, việc này có thể đã nằm trong tính toán của chính quyền Hồng Kông.
Kể từ khi Trưởng Đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga tới Bắc Kinh diện kiến Tập Cận Bình và Hàn Chính – người phụ trách sự vụ Hồng Kông – Ma Cao, và nhận được sự tán thành của hai nhà lãnh đạo về sự thể hiện của bà tại Hồng Kông, những dấu hiệu hòa hoãn trước đó đối với phong trào phản đối dự luật dẫn độ đã biến mất ngay khi bà quay trở lại Hồng Kông.
Ngược lại, mức độ mâu thuẫn giữa cảnh sát và người dân trên đường phố ngày càng gay gắt hơn. Gần đây, cảnh sát Hồng Kông đã chuyển trọng tâm đàn áp từ đường phố sang các trường đại học, như Đại học Trung Văn, Đại học Thành phố, Đại học Bách Khoa v.v., chuyển đối tượng đàn áp thành các sinh viên trong khuôn viên trường đại học.
Đặc biệt, vụ đàn áp và đấu tranh tại Đại học Trung Văn và đại học Bách Khoa Hồng Kông là khốc liệt nhất. Cảnh sát Hồng Kông coi khuôn viên trường là nơi trấn áp mới, họ gây chiến với sinh viên một cách vô đạo đức, thường xuyên bắn đạn hơi cay và đạn cao su, thậm chí xông vào khuôn viên trường bắt giữ những sinh viên tay không tấc sắt, sự việc dường như là tự nhiên, nhưng thực ra là có tiến trình rõ ràng.
Kể từ đầu tháng 6, người dân Hồng Kông đã bắt đầu tiến hành phong trào phản đối dự luật dẫn độ, vì luật này sẽ vi phạm tới tính độc lập trong xét xử tư pháp của người Hồng Kông. Hàng triệu người dân Hồng Kông dưới hình thức “hòa lý phi” (hòa bình-lý tính-phi bạo lực) đã tập trung thành từng nhóm xuống đường biểu tình và bày tỏ sự bất mãn của mình, từ đó gây áp lực buộc chính phủ Hồng Kông phải rút lại dự luật này.
Làn sóng biểu tình này có sự tham gia của cả những học sinh mười mấy tuổi cho tới những người tóc bạc tám mươi tuổi. Trong đó, đại bộ phận là học sinh và sinh viên, đồng thời lực lượng chủ chốt là những sinh viên có tư tưởng độc lập.
Chính phủ Hồng Kông đã dùng cách thức “bắt nhóm kẻ trộm thì phải tóm được kẻ cầm đầu”. Tính đến nay, trong số hơn 4000 người biểu tình bị bắt giữ, lực lượng sinh viên chiếm 40%. Sở cảnh sát dựa vào đó phân tích và tin rằng chỉ cần mạnh tay với sinh viên ở khuôn viên trường đại học thì có thể trấn áp được cuộc biểu tình. Hình ảnh từ cuộc tấn công quy mô lớn của cảnh sát nhắm vào các sinh viên, thông qua các phương tiện truyền thông sẽ có tác dụng “một mũi tên trúng nhiều đích”.
Thứ nhất, hiệu ứng này khiến mọi người sợ hãi và không dám ra đường đấu tranh, nhằm mục đích dập tắt cuộc biểu tình.
Thứ hai, có thể chuyển trọng tâm phong trào biểu tình “hòa lý phi” của hàng triệu người Hồng Kông, đổ lỗi cho các sinh viên làm xáo trộn trật tự xã hội và kích động sự bất mãn của những người theo chủ nghĩa ái quốc, hợp pháp hóa việc cảnh sát sử dụng bạo lực để đàn áp sinh viên.
Thứ ba, tạo giả tượng lớn hơn về sự mất ổn định xã hội, mở đường cho thiết quân luật và giới nghiêm có thể xảy ra trong tương lai.
Thứ tư, chính phủ Hồng Kông cũng có thể lấy cớ bảo vệ sự an toàn của quá trình bỏ phiếu để trì hoãn hoặc hủy bỏ cuộc bầu cử Quốc hội Đặc khu.
Trong hơn 5 tháng diễn ra phong trào phản đối dự luật dẫn độ, người dân Hồng Kông đã chịu tổn thất rất lớn. Một xã hội hòa bình, ổn định và thịnh vượng trước đây đã bị “xé tan”. Sự lương thiện và tin tưởng lẫn nhau đã bị phá vỡ, cái giá hữu hình và vô hình mà toàn xã hội phải trả là khó có thể đong đếm được.
Cuộc đối đầu giữa người dân và cảnh sát Hồng Kông đã dần leo thang trở thành các cuộc biểu tình bạo lực, Hồng Kông giống như một chiến trường với khói và pháo sáng trên khắp đường phố.
Thông qua báo cáo của các phương tiện truyền thông, có thể thấy rằng những người dân Hồng Kông tham gia biểu tình chỉ có thể tận dụng những vật sẵn có, tháo dỡ biển báo đường phố, gạch vỉa hè, tấm gỗ, cọc tre, v.v. để bảo vệ sự an toàn cá nhân hay thiết lập các chướng ngại vật để ngăn chặn sự tấn công của bom hơi cay và đạn cao su.
Các phương tiện truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không ngừng bôi nhọ những người biểu tình, cho rằng họ đã đập phá và hủy hoại tài sản công cộng, là thành phần khủng bố và bạo đồ. Tuy nhiên, dựa theo những hình ảnh và tin tức từ báo chí nước ngoài, có thể thấy những người biểu tình chỉ đập phá cửa kính của cửa hàng hoặc phun sơn, mà không hề chiếm đoạt tài sản. Liệu như vậy có phải là bạo đồ không? Xem xét kỹ, giữa cảnh sát và người dân, bên nào sử dụng bạo lực, bên nào là bạo đồ vẫn còn chưa rõ ràng hay sao?
Chính phủ Hồng Kông và truyền thông ĐCSTQ vẫn có thể “nói dối không chớp mắt”, cho rằng sinh viên là những kẻ côn đồ vô dụng và quy trách nhiệm cho sinh viên. Cho đến thời điểm hiện nay, chính phủ Hồng Kông vẫn giữ thái độ cứng rắn mà không hề sợ hãi, không sẵn lòng nói chuyện với người dân, chỉ đáp trả bằng các biện pháp bạo lực triệt để hơn, không có chỗ cho sự thỏa hiệp đối với 5 yêu cầu chính của người dân Hồng Kông. Trong tương lai, số phận của Hồng Kông dưới sự kiểm soát của bộ máy chính phủ được hậu thuẫn bởi Bắc Kinh e rằng sẽ không mấy lạc quan.
Minh Huy (Theo Secretchina)